Tin nổi bật ngày 2/2

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 2/2 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là: Không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo; từ ngày 3/2, tất cả người dân Quảng Ninh phải khai báo y tế; có 30 ca mắc COVID-19, Quảng Ninh truy vết gần 56.000 trường hợp đến F4; xét xử vụ nhận tiền chi lãi ngoài tại PVTrans.

Thủ tướng: Không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo

Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống dịch bệnh COVID -19 và chăm lo Tết cho người dân.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng cũng đề nghị cả nước tiếp tục phòng chống, dập dịch COVID-19 với tinh thần không được chủ quan; cần tiếp tục cảnh giác với biện pháp kịp thời, mạnh mẽ, đi trước thời gian, nhưng không được để hoảng loạn, trên tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép; tiếp tục thực hiện tốt nhất, nhanh nhất các biện pháp thời gian tới. Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế phải có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo để các địa phương chủ động hơn. “Chính phủ sẽ đồng ý trên cơ sở sau khi Bộ Y tế xem xét vấn để đưa vaccine đến với người dân ngay trong quý I này một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay. Cụ thể, thúc đẩy ba không gian kinh tế gồm kinh tế trong nước 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh; kinh tế số ở Việt Nam.

Cùng với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hợp lý, nhất là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường qua các nền tảng số; giải quyết chủ động, hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và tận dụng được các hiệp định thương mại tự do… Trong đó đặc biệt cần tận dụng thời cơ, tạo môi trường thuận lợi thu hút các dòng vốn đầu tư mới, nhất là các các dự án công nghệ cao. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phải đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn tình trạng buôn bán pháo nổ đang diễn ra; ngăn chặn đường dây đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam. Cùng với đó là đảm bảo chăm lo Tết cho nhân dân. "Tinh thần là không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do dịch. Sau Tết phải phát động trồng cây. Lễ hội sau Tết phải chấn chỉnh. Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch phải lo điều này. Ngay sau Tết phải bắt tay ngay vào công việc, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thủ tướng chỉ đạo không tổ chức đi thăm và chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu quà Tết dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công trái quy định trong các hoạt động lễ hội, vui chơi. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.

Từ ngày 3/2, tất cả người dân Quảng Ninh phải khai báo y tế

Từ ngày 3/2, tất cả người dân của tỉnh Quảng Ninh sẽ phải khai báo y tế để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe.

Chú thích ảnh
Người dân khai báo y tế trước khi vào chợ Cột 3, thành phố Hạ Long. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng loạt, đồng bộ việc khai báo y tế này để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống. Việc lập hồ sơ khai báo sức khỏe toàn dân phải hoàn thành trước ngày 9/2. Đây là nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2 về triển khai kiểm tra, khai báo sức khỏe toàn dân và củng cố Tổ tự quản phòng chống dịch COVID-19.

Chính quyền địa phương chỉ đạo Phòng y tế huy động cơ sở y tế trên địa bàn như: Bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe đối với 100% người dân đang cư trú trên địa bàn; huy động lực lượng thanh niên, giáo viên… hỗ trợ ngành y tế cập nhật số liệu.

Lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm y tế tăng cường thực hiện quản lý chặt chẽ di biến động nhân khẩu và yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả những trường hợp người tạm trú, vãng lai, người từ nơi khác mới đến địa phương; những người đến từ, đi qua các vùng có dịch kể từ ngày 15/1.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường hoạt động các Tổ tự quản phòng chống dịch tại các tổ dân, thôn, khu phố. Mỗi tổ từ 2 – 3 người là cán bộ tổ, thôn, khối phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Mỗi tổ phụ trách từ 40 – 50 gia đình và có phân công danh sách hộ dân cụ thể đến từng tổ.

Xét xử vụ nhận tiền chi lãi ngoài tại PVTrans

Sáng 2/2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1974, nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty vận tải Dầu khí – PVTrans) 24 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là vụ án thuộc giai đoạn 2 của vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và các đồng phạm thực hiện chi tiền lãi ngoài hợp đồng trái quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn năm 2009-2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank là ngân hàng mà PVN đã góp 20% vốn điều lệ, PVTrans và các đơn vị thành viên gồm: Công ty cổ phần vận tải Dầu khí Vũng Tàu, Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Phương Nam đã mở các tài khoản thanh toán và ký các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm, ăn năn hối cải. Quá trình điều tra vụ án, bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan công an, chủ động khắc phục, nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo thực hiện hành vi vi phạm trong vai trò là nhân viên thừa hành chỉ đạo của PVN; bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đang mắc bệnh hiểm nghèo; PVN và PVTrans đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo… do vậy, Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Gia Lai thành điểm nóng COVID-19, Bộ Y tế viện trợ khẩn cấp cho địa phương chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu của các địa phương có dịch COVID-19 (chiều ngày 2/2), lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Đến chiều 2/2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số 6.500 mẫu xét nghiệm COVID-19 đã lấy. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 4 huyện là: Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và TP Pleiku.

Đặc biệt tại Gia Lai cũng mới ghi nhận 1 ca dương tính mới được phát hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Hiện đã có một số cán bộ y tế có nguy cơ cao tại các khoa được đưa vào cách ly tại khu cách ly của Bệnh viện; đồng thời phong toả, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 có liên quan.…Ngay từ khi có các ca bệnh đầu tiên, cả hệ thống chính trị và ngành y tế của tỉnh đã khẩn trương tiến hành truy vết các trường hợp F1,  lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, Gia Lai đang gặp khó khăn trong năng lực xét nghiệm. Địa phương mới chỉ có khả năng xét nghiệm 200 mẫu/ngày; vì vậy, tỉnh đã huy động sự viện trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Việt Nam có thêm 31 ca mắc mới COVID-19

Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 2/2, Việt Nam có thêm 31 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước tính từ ngày 27/1 đã vượt 300 ca.

Chú thích ảnh

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 31 ca mắc mới COVID-19 (BN1852 - 1882) có 30 ca cộng đồng (tại Hải Dương 18 ca, Quảng Ninh 8 ca, Gia Lai 3 ca, Hà Nội 1 ca) và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại thành phố Hà Nội.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 2/2, Việt Nam có tổng cộng 994 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 301 ca.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 27.714 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 227 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.917 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.570 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 2/2, có 1 bệnh nhận được công bố khỏi bệnh là bệnh nhân BN1430.

Trong số những bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 3 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 7 người âm tính lần hai và 2 người âm tính lần ba.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua bưu điện tăng gấp đôi so với ngày thường
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua bưu điện tăng gấp đôi so với ngày thường

Theo Bưu điện Việt Nam, hiện nay nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua Bưu điện đang bước vào cao điểm, tăng gấp đôi so với bình thường, có những ngày sản lưọng lên tới hơn 1 triệu bưu phẩm gửi/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN