Tìm giải pháp cho vấn đề giao thông

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ - Thực trạng và giải pháp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên giải trình với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, cùng đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.

14 tháng, hơn 66.000 người chết và bị thương do tai nạn giao thông

Báo cáo thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu rõ: Vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.382 tỷ đồng.


Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012 cả nước đã xảy ra 49.518 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người, so với cùng kỳ năm 2010 đã giảm về cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và bị thương. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Qua phân tích số liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu thực trạng nhóm hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý nhiều nhất là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đây là những vi phạm do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Cùng với đó các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm, vượt khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông; tốc độ phát triển và chất lượng vận tải hành khách công cộng chưa cao, chưa thuận lợi, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại ở các đô thị. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính tuy đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu lên các giải pháp khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính đồng bộ với các chế tài mạnh, đủ tính răn đe và khả thi; phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định đầy đủ các chức danh đã được quy định trong các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú ý đến các chức danh từ cơ sở vì đây là lực lượng chủ yếu phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ (200 triệu đồng)...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đại biểu khác đề nghị cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải trong việc để xảy ra tình trạng số lượng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, số vụ tai nạn, người chết, bị thương còn quá lớn. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình nhằm tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông; xây dựng triển khai đề án nâng cao trách nhiệm và năng lực nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngành giao thông trong khi thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chất lượng công trình giao thông chưa đảm bảo yêu cầu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ tại hầu hết các công trình giao thông và công tác thu phí, lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, công trình giao thông chậm tiến độ không chỉ là bức xúc của người dân mà là bức xúc của cả ngành giao thông. Bộ đã xây dựng đề án nhằm tăng cường sự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân đối với tiến độ và chất lượng các công trình giao thông. Đồng thời triển khai đề án nhằm nâng cao chất lượng quản lý công trình, quản lý nhà thầu và thay thế các Ban quản lý dự án không đáp ứng nhu cầu. Về việc thu phí và lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thu phí và lập quỹ nhằm bảo đảm nguồn thu để duy tu, sửa chữa đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Điều này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật.

Liên quan đến tình trạng chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập dẫn đến học giả, bằng thật như đề cập của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo và thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Sắp tới ngành giao thông sẽ thực hiện một số giải pháp, không để xảy ra tình trạng làm giả bằng lái xe. Về xử lý xe ô tô vi phạm chở quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng các trạm cân hiện đại trên các tuyến quốc lộ nhằm kiểm tra, xử lý xe vi phạm.

Về câu hỏi của nhiều đại biểu về chất lượng công trình giao thông vận tải yếu kém hiện nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Chất lượng công trình giao thông vận tải hiện nay đang là vấn đề bức xúc của người dân và các cơ quan quản lý. Bộ Giao thông Vận tải đã nhận thức được vấn đề này. Chính vì vậy năm 2011 được lấy là năm chất lượng công trình giao thông. Bộ trưởng đã nhận lỗi trước nhân dân vì đã để tình trạng tiến độ công trình giao thông chậm, chất lượng công trình chưa bảo đảm theo yêu cầu. Bộ đang từng bước khắc phục vấn đề này để có thể sử dụng tốt nguồn tiền của Nhà nước, của nhân dân đóng góp đảm bảo chất lượng công trình.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản đồng tình với báo cáo của các cơ quan giải trình và cho rằng các bộ, ngành, địa phương đánh giá đúng tình hình vi phạm, nêu ra nhiều nguyên nhân của hành vi vi phạm, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian qua. Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng những giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng và các bộ, ngành, địa phương đã sát với câu hỏi, tuy nhiên có nhiều vấn đề chưa được làm rõ về mối quan hệ quản lý nhà nước với các vấn đề khác trong cuộc sống xã hội; giữa bức xúc và phát triển; giữa chống ùn tắc với nhu cầu cuộc sống người dân... Các thành viên Ủy ban đề nghị Bộ trưởng và các bộ, ngành, địa phương khi đề xuất với Chính phủ cần tính đến biện pháp giải quyết bức xúc trước mắt nhưng cũng phải bảo đảm tính lâu dài.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ và làm rõ những kiến nghị về tịch thu tang vật vi phạm; tăng biên chế chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tăng kinh phí cho các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông...

Quỳnh Hoa - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN