"Tìm được" lao động bị nghi mất tích ở Arập Xêút

Cách đây gần 1 tháng, gia đình của một nữ lao động gửi đơn trình báo với Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) về việc con gái mình đi xuất khẩu lao động tại Arập Xêút và bị mất tích đã 30 tháng. Cục đã vào cuộc và đến chiều 7/3 đã liên hệ được với lao động này. Thực tế không có chuyện lao động bị mất tích. Qua trường hợp này, cảnh báo việc vẫn còn tình trạng lợi dụng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân ra nước ngoài trái phép.

Không hề có chuyện bị mất tích

Chiều 8/3, Ban quản lý lao động tại Arập Xêút (Cục QLLĐNN- Bộ Lao động- Thương  binh và Xã hội) cho biết đã liên hệ và tìm gặp được chị Nguyễn Thị Toại – người từng được gia đình báo mất liên lạc suốt 30 tháng qua, trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.

Theo anh Nguyễn Đức Nam, Trưởng Ban Quản lý lao động tại Arập Xêút, không hề có việc lao động Nguyễn Thị Toại mất tích như gia đình và báo chí thông tin. Nguyên nhân là do quan hệ trong gia đình có những khúc mắc nên chị Nguyễn Thị Toại không muốn liên hệ về gia đình.

Chị Toại hiện đang làm việc rất tốt và khoẻ mạnh, được chủ sử dụng quý mến, không hề bị hành hạ hoặc lạm dụng hay bất kỳ điều gì. Chị Toại mong muốn được làm việc lâu dài tại đây.


Anh Nguyễn Đức Nam, Trưởng Ban Quản lý lao động tại Arập Xêút và lao động Nguyễn Thị Toại. 


Trước đó, ngày 15/2/2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được đơn thư của bà Hoàng Thị Bính - mẹ của lao động Toại trình báo: con bà được bà Trần Khánh Ninh- Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Vạn xuân - Vivaxan tại Hà Nội, địa chỉ tại số 9, ngõ 176, phố Mai Dịch, Hà Nội đưa đi làm việc ở Arập Xêút từ tháng 10/2009 và đã mất liên lạc với gia đình gần 30 tháng qua.

Sau một thời gian tìm kiếm, liên hệ với các cơ quan chức năng cũng như những mối quan hệ cá nhân tại Arập Xêút, ngày 7/3, Ban QLLĐ tại Ả rập Xê út đã liên hệ và tìm được địa chỉ chủ sử dụng của lao động Nguyễn Thị Toại và đến gặp lao động này tận nơi. Chủ sử dụng hiện tại cũng là chủ sử dụng duy nhất từ khi chị Toại sang làm việc, là người có số điện thoại mà gia đình thường liên hệ qua như thông tin một số báo đã đưa.

Theo tìm hiểu, hợp đồng lao động của chị Nguyễn Thị Toại ký với chủ sử dụng có thời hạn 3 năm, kể từ tháng 9/2010. Tính đến thời điểm này, còn 6 tháng nữa chị Toại mới kết thúc hợp đồng lao động.

Trong cuộc gặp với đại diện Ban QLLĐ, chị Toại không nói lý do vì sao không liên hệ và không gửi tiền về gia đình, tỏ vẻ rất buồn và có phần xúc động. Ban QLLĐ đề nghị chị liên hệ với gia đình, vì hiện tại gia đình rất mong có được thông tin của chị và đồng thời giải đáp những khúc mắc mà báo chí đã nêu.

Có dấu hiệu đưa lao động đi trái phép

Qua vụ việc tìm kiếm một lao động mất tích, Cục QLL ĐNN đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu cá nhân lợi dụng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân ra nước ngoài trái phép.

Theo thông tin trong đơn trình báo Cục, thời điểm bà Ninh đưa lao động Toại đi làm việc ở Arập Xêút, bà Ninh là cán bộ của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vũng Tàu - Getraco).  

Qua thẩm tra xác minh sự việc, Cục QLLĐNN xác định được thông tin đơn vị nộp hồ sơ xin cấp visa cho lao động Nguyễn Thị Toại ở Đại sứ quán Arập Xêút tại Hà Nội là Công ty Vũng Tàu - Getraco. Tuy nhiên, công ty này lại không nằm trong danh sách các đơn vị được Cục QLLĐNN giới thiệu với Hội đồng tuyển dụng quốc gia của Arập Xêút(Sanarcom), nên không được phép đưa lao động sang Arập Xêút làm giúp việc gia đình.

Ngay sau khi Cục QLLĐNN có công văn yêu cầu báo cáo sự việc, cả hai công ty Vivaxan và Vũng Tàu - Getraco đều có công văn trả lời Cục khẳng định không đưa lao động Toại sang làm giúp việc gia đình ở Arập Xêút.

Đại diện Cục QLLĐNN cho biết, hiện nay, Cục đã chuyển hồ sơ vụ việc đề nghị Công an điều tra. Hiện tại, việc xác định hợp đồng của lao động Toại đi làm việc ở Arập Xêút theo công ty dịch vụ nào đang được điều tra làm rõ.

Qua vụ việc này, cho thấy cảnh báo thực trạng đưa lao động đi nước ngoài làm việc trái phép vẫn đang tồn tại có thể làm hại người lao động. Nếu đi “chui” như vậy, người lao động sẽ không được bảo vệ quyền lợi. Do vậy, người lao động cần phải đi lao động qua những công ty có giấy phép, hợp đồng đưa lao động đi phải có sự thẩm định của Cục QLLĐNN cho phép, đúng pháp luật.

Mạnh Minh


Kỳ vọng Xuất khẩu lao động năm 2012
Kỳ vọng Xuất khẩu lao động năm 2012

Thành quả đạt được của xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam năm 2011 đã làm tiền đề để ngành lao động Việt Nam đưa ra chỉ tiêu đưa 90.000 người lao động đi nước ngoài làm việc trong năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN