Tiết kiệm “bôi trơn”

1. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010.

Có nhiều con số đáng để suy nghĩ, trong đó có khoảng 20% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp phải trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước, 70% nhà đầu tư thường xuyên xuất khẩu khẳng định họ phải chi “bôi trơn” để được thông quan nhanh.Điều đó cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp phải chi phí để “bôi trơn” vẫn còn khá nặng nề.

2. Nguyên nhân thì có nhiều, từ việc hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, văn bản pháp luật còn chồng chéo, rắc rối, phiền hà và có những kẽ hở… đến thói quen xấu của tục “lót tay” trước đây… Tuy nhiên, có nguyên nhân không nhỏ, nếu không muốn nói là cơ bản, đó là phẩm chất, đạo đức của cán bộ thực thi công vụ. Và, bản thân các doanh nghiệp cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

3. Chi phí “bôi trơn” một mặt làm lây lan nạn tham nhũng và hối lộ, suy giảm hiệu lực và làm hoen ố hình ảnh của công chức và bộ máy công quyền; mặt khác làm méo mó, kìm hãm hoạt động kinh tế và tác động trực tiếp làm tăng chi phí cả về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

4. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Chính phủ đã phải thực hiện nhiều giải pháp để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có giải pháp tiết kiệm với nhiều biện pháp cụ thể của toàn xã hội, từ việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công của Chính phủ đến việc từng người dân tiết kiệm tiêu dùng… Thiết nghĩ, cũng cần có các biện pháp mạnh giúp các doanh nghiệp tiết kiệm “bôi trơn” để giảm chi phí, hạ giá thành.

Điều này đòi hỏi sự quyết tâm của cả bộ máy nhà nước và nhất là bản thân các doanh nghiệp.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN