Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII

Nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

 

Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Điện lực


Sáng 23/10, các đại biểu làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.


 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cụ thể như sau: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước (tổng số là 49 người).


Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên của Hội đồng, Ủy ban (tổng số là 380 người, trong đó mỗi ủy ban có từ 30-50 thành viên).


HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND (2 - 3 người), Trưởng các ban của HĐND (2 - 4 người); Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của UBND (3-13 người).


Các ban của HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 2 đến 4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).


Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; các ban của HĐND có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực HĐND để tổng hợp, báo cáo HĐND cấp mình. Quốc hội, HĐND ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.


Tờ trình đã nêu rõ về: Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; Thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm; Việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm; Về việc sửa đổi, bổ sung quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.


Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thể hiện sự nhất trí cao với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này.


Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định hiện hành của pháp luật thì Quốc hội, HĐND có quyền bầu hoặc phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó cần phải có cơ chế để Quốc hội, HĐND giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ các chức vụ này. Vì vậy, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết.


Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của HĐND… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức. Ý kiến này đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

 

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư


Thời gian còn lại của buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.


Thảo luận về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật (được hành nghề luật sư), đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) không nhất trí với dự thảo luật quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đại biểu cho rằng những lý lẽ được nêu ra trong báo cáo giải trình về nội dung này chưa thật sự thuyết phục và nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên lãng phí nguồn nhân lực cao như vậy”. Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét cho đối tượng này được hành nghề luật sư, “không chí ít cũng là luật sư tư vấn”- đại biểu đề xuất.


Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không cần được cân nhắc thấu đáo, cả về lý luận và thực tiễn. Kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao, chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư lần này.


Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung cụ thể: Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài; hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và xử lý vi phạm đối với luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; thu hồi và cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư; đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư...


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) dành ít phút cuối buổi thảo luận để nêu quan điểm từ góc độ người từng làm công tác giảng dạy đồng thời là người quản lý.


Đại biểu thiết tha đề nghị nên khuyến khích các giảng viên dám nhận làm luật sư. Bởi, “với phương châm học đi đôi với hành, thậm chí giúp cho hành tốt thì nên khuyến khích”. Theo ông Nhân, hoàn toàn có chế tài để yêu cầu giảng viên nếu đã hành nghề luật sư thì sẽ phải làm tốt hai vai trò. Chẳng hạn, nếu giảng viên không hoàn thành việc giảng dạy thì có thể bị đình chỉ. Nhà trường sẽ quy định quỹ thời gian dành cho việc dạy học. Đồng thời, không phải giảng viên nào cũng được hành nghề luật mà phải đáp ứng các điều kiện như thâm niên công tác hoặc đạt trình độ nhất định (tiến sĩ, thạc sĩ).


Ban soạn thảo cũng nên nhìn sang đội ngũ hành nghề y. Hiện nay rất nhiều vị trưởng, phó khoa trong các bệnh viện lớn cũng là trưởng, phó một bộ môn giảng dạy ở nhà trường và nhận được sự tín nhiệm ở cả hai vị trí.


Quan điểm của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu.

 

Công khai, minh bạch việc điều chỉnh giá điện


Chiều 23/10, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.


Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và góp ý kiến xoay quanh các vấn đề: Chính sách phát triển điện lực; hình thành và phát triển thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực... Trong đó, tập trung vào 2 nội dung: Giá điện và các loại phí; quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực.


Nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi, bổ sung khoản 1a Điều 29 quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực” là phù hợp với chủ trương điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện. Đồng thời, đảm bảo hài hòa vai trò của cơ chế thị trường và vai trò điều tiết của Nhà nước đối với chính sách giá điện trong lộ trình phát triển thị trường điện.


Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, cần phải có biểu giá bán lẻ điện cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, không nên áp giá bán lẻ điện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng vì như vậy, không khuyến khích nhân dân các vùng trên áp dụng khoa học kỹ thuật điện khí hóa sử dụng điện năng nhiều hơn. Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị bổ sung thêm quy định Nhà nước có cơ chế ưu đãi tổ chức cá nhân, ưu tiên phát triển điện miền núi, hải đảo, có chính sách phát triển điện vùng khó khăn. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị bổ sung thêm quy định những vùng di dân tái định cư do Nhà nước thu hồi xây dựng thủy điện cũng được tạo điều kiện hỗ trợ giá điện. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước sẽ là nhân tố khuyến khích phát triển thị trường cung ứng điện.


Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến đời sống dân cư. Do đó, việc điều chỉnh giá điện đều phải cân nhắc thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện để có mức điều chỉnh giá điện hợp lý, phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô. Để góp phần hạn chế tình trạng độc quyền trong một số khâu, bảo đảm quyền lợi khách hàng sử dụng điện, cần công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành giá bán lẻ điện. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), việc điều chỉnh phải xin phép Thủ tướng Chính phủ chứ không thể chỉ giao cho Tập đoàn Điện lực xin ý kiến Bộ Công Thương, bởi đây là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.


Về quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, đa số ý kiến nhất trí chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo, đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch.


Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách tràn lan, khó kiểm soát; điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân tái định cư; môi trường sinh thái... đặc biệt là vấn đề an toàn thủy điện và cho rằng đây là việc lớn có liên quan đến sinh mệnh của người dân, cần được đề cập một cách đậm nét hơn.


Quỳnh Hoa - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN