Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 1/6, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân, liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Kiến nghị giữ nguyên mức phạt chậm nộp thuế


Tại buổi thảo luận ở tổ sáng 1/6 về dự án Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, nhiều nội dung liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế như: nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; nguyên tắc ấn định thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn... đã được các đại biểu quan tâm thảo luận.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) băn khoăn về căn cứ để dự thảo Luật sửa đổi nâng mức tiền chậm nộp từ 0,05% lên 0,07%; phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thuế cao hơn đối với trường hợp khai bổ sung sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên các mức phạt như luật hiện hành. Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, luật hiện hành quy định mức phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, dự thảo sửa đổi nâng lên là 20% nhằm mục đích răn đe nhưng mức phạt 20% đó cộng với số tiền chậm nộp là quá cao, trong khi đây là hành vi sai sót chứ không phải hành vi không trung thực.


Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, trong lúc doanh nghiệp còn khó khăn, chế độ chính sách hỗ trợ thuế là một trong những việc mà các cơ quan nhà nước cần phải quan tâm. Xử phạt không phải là biện pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm người nộp thuế mà cần nâng cao bằng cách phối hợp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thông qua việc mở các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp để tránh nhầm lẫn, sai sót. Đại biểu cũng cho rằng, vốn là vấn đề hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự thảo luật quy định nếu được hoàn thuế thì 40 ngày sau mới được hoàn là quá dài, không có lý do gì giữ đến 40 ngày mới hoàn thuế cho doanh nghiệp. Do vậy, cần quy định hoàn thuế sớm, rút ngắn thời gian xuống còn 15 ngày để giảm bớt lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp.


Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về tiêu chí quản lý rủi ro, hoạch định kế hoạch kiểm tra thuế, quản lý thuế, ngăn chặn hành vi chuyển giá giữa các doanh nghiệp, quy định điều kiện hồ sơ đăng ký thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính…


Thảo luận về một số nội dung của luật Dự trữ quốc gia, các đại biểu cho rằng mục tiêu quy định trong dự thảo luật khá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia, cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải. Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng, với phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia.


Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực ngân sách nhà nước có hạn, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia, cần phải có quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để xã hội hóa, khuyến khích, động viên sự đóng góp của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vào hoạt động dự trữ quốc gia. Dự thảo luật cần quy định mang tính nguyên tắc để tạo cơ chế mở, khuyến khích các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước.


Chính phủ nên quy định thêm những tỉnh, thành có điều kiện tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia - đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị. Đại biểu cho rằng, nên quy định khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ gia đình tham gia hoạt động dự trữ quốc gia.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay


Tại buổi thảo luận chiều 1/6, Quốc hội đã nghe tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay. Một số nội dung quan trọng của dự án luật như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.


Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Luật Đất đai sửa đổi cần được Quốc hội quan tâm đặc biệt. Đại biểu nêu thực tiễn đây là vấn đề gây nhiều bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; đồng thời, đất đai cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng tán thành với việc đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp 5 và thông qua tại kỳ họp 6 nhưng đề nghị Chính phủ cần đảm bảo tốt nội dung sửa đổi dự án quan trọng này.


Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 cần có những nội dung điều chỉnh vấn đề quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, việc quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nóng bỏng; cần sớm có Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước trong sản xuất kinh doanh, cần đưa vào chương trình chính thức năm 2013. Các đại biểu Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng) và Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị đưa vào chương trình xây dựng, luật pháp lệnh năm 2013 những dự án luật bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu kinh tế để phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước.


Thanh Vân - Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN