Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Sáng 16/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã họp Phiên thứ 9 với nội dung trọng tâm là xem xét, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa kết thúc cuối tháng 6 vừa qua để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng Kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào cuối năm.


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận vào công tác chuẩn bị, tổ chức cho kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Trong Phiên họp thứ 9 này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 và báo cáo tổng hợp ý kiến đề xuất tiến hành hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các tháng còn lại của năm 2012.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

BTVQH cũng sẽ xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; cho ý kiến về xây dựng lực lượng kiểm ngư, về công tác nhân sự Kiểm toán Nhà nước và một số nội dung tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội.


Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là kỳ họp diễn ra vào thời điểm cuối năm, vì vậy cần căn cứ vào tình hình trong nước, quốc tế để có đánh giá chính xác về kết quả sau 2 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2010 – 2015. Kỳ họp này cũng có số lượng các chương trình, dự án luật lớn cần phải hoàn thành, đặc biệt là việc cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai - dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt cần được chuẩn bị thật tốt ngay từ thời điểm này. Đề cập đến tầm quan trọng của việc cho ý kiến sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và việc chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ phận liên quan cần tổng hợp tốt các nội dung, chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá tổng thể vấn đề để các báo cáo đạt chất lượng cao.


Xung quanh một nội dung được đặc biệt quan tâm khác là việc cho ý kiến lần đầu về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại Kỳ họp thứ 4 vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là công việc hết sức hệ trọng cần được thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đề ra; trong đó thực hiện tốt việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phát huy những đổi mới trong việc tổ chức, phục vụ tại Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp cuối năm cần tiếp tục áp dụng các hình thức như: Không gửi tài liệu dưới dạng văn bản giấy tới đại biểu; rút ngắn hơn nữa, hạn chế việc đọc, trình bày tại hội trường.


Ngay tại phiên họp buổi sáng, cho ý kiến đánh giá về việc tổ chức Kỳ họp thứ 3 vừa qua, đa số các ý kiến của các thành viên UBTVQH đều cho rằng, kỳ họp đã đạt kết quả cao với nhiều dự án luật, quyết sách quan trọng của đất nước được thông qua; được đông đảo cử tri cả nước đánh giá cao. Cách thức tổ chức và tiến hành kỳ họp được đổi mới, cải tiến hợp lý, góp phần quan trọng tạo nên những kết quả tốt đẹp của kỳ họp. Công tác điều hành bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, linh hoạt, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên để phân tích, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp đã được chuẩn bị tốt, đúng quy trình, thủ tục luật định, có nội dung liên quan trực tiếp đến lợi ích của đông đảo cử tri, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc, được cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí chất vấn sôi động, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao.

 

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn


Theo Tờ trình của Ban Công tác đại biểu trong phiên họp buổi sáng về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 của UBTVQH, dự kiến sẽ có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tổng Thanh tra Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Những nhóm vấn đề chất vấn xoay quanh: Việc giải quyết những vụ án tồn đọng kéo dài, đặc biệt là những vụ án phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến số đông nhân dân; tình trạng chậm khắc phục những vụ án oan sai; về hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu; chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế; hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo trợ xã hội...

 

Sửa đổi một số quy định về ưu đãi người có công


Chiều 16/7, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2012.


Để đảm bảo tính khả thi của các chế độ, chính sách mới, Điều 3 Pháp lệnh chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời điểm có hiệu lực thi hành đối với chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị bắt tù đầy, trợ cấp phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được thực hiện từ ngày 1/9/2012; các chế độ, chính sách còn lại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.


Về điều khoản chuyển tiếp để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 1/9/2012, đa số thành viên UBTVQH nhất trí quy định rõ việc chuyển đổi mức trợ cấp trong Pháp lệnh. Theo đó, người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 1/9/2012, hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng chế độ hiện hưởng. Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì tiếp tục hưởng chế độ cho đến ngày 31/12/2012 và được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% kể từ ngày 1/1/2013. Trường hợp người đã được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% mà có yêu cầu thì có thể được giám định lại và được hưởng trợ cấp tương ứng với mức độ suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định. Quy định này nhằm bảo đảm sự liên tục trong chính sách về cơ bản không phải thực hiện việc giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho số người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.


Quang Vũ - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN