Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ): Tạo đột phá trong công tác lưu trữ

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và xem xét thông qua Luật Lưu trữ. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương (ảnh), Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) xung quanh dự án luật này.

Luật Lưu trữ theo bà sẽ tạo hành lang pháp lý như thế nào trong công tác lưu trữ, thưa bà?

Với việc Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua Luật Lưu trữ thì đối với những người làm công tác lưu trữ của Việt Nam, chúng tôi thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác lưu trữ nói chung và đối với giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia nói riêng… Luật Lưu trữ ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người làm công tác lưu trữ cũng như công tác quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia trên toàn đất nước Việt Nam… Luật có một điểm rất mới so với Pháp lệnh về tài liệu lưu trữ quốc gia hiện nay, đó là qui định trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với việc bảo vệ và chỉ đạo quản lý tài liệu lưu trữ tại cơ quan, tổ chức của mình; và chỉ khi những người đứng đầu các cơ quan có sự quan tâm đúng mức, có sự chỉ đạo tốt về công tác lưu trữ tại cơ quan, tổ chức của mình, thì khi đó mới hình thành được nguồn hợp lưu tài liệu tốt để phục vụ lưu trữ lịch sử, bảo quản an toàn và phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia. Bởi lẽ, đối với công tác lưu trữ thì mục đích cuối cùng là tài liệu lưu trữ phải được đưa ra khai thác sử dụng phục vụ các nhu cầu nghiên cứu của xã hội, phục vụ các lợi ích của quốc gia, trong đó có lợi ích rất quan trọng là bảo vệ chủ quyền và an ninh Tổ quốc.

Bà đánh giá thế nào về công tác lưu trữ của Việt Nam?

Thời gian qua, công tác này dù rất được quan tâm, nhưng cũng không tránh khỏi gặp khó khăn, do chúng ta phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã tăng cường công tác lưu trữ để làm sao tài liệu lưu trữ được đưa ra phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước… Đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới, công tác lưu trữ cũng chuyển mình, phát triển, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc XHCN…

Tuy nhiên, sự quan tâm đến công tác lưu trữ còn chưa được như yêu cầu, thể hiện ở đầu tư cho công tác lưu trữ, hay đào tạo những con người làm công tác này còn chưa được chú trọng. Việc sắp xếp cán bộ nhiều khi vẫn chưa thật đúng vị trí, trong khi lưu trữ là một khoa học. Bên cạnh đó, chính sách đối với cán bộ làm lưu trữ cũng chưa được thỏa đáng. Chính vì vậy, trong dự thảo lần này đã có một chương riêng về chế độ, chính sách đối với những người làm lưu trữ.

Trong xã hội từng có một quan điểm đơn thuần là tài liệu lưu trữ thường nằm trong kho, vậy đánh giá của bà về vấn đề này như thế nào?

Đúng là trước đây khi nói về lưu trữ chúng ta thường hiểu là việc thu gom và giữ tài liệu trong kho, nhưng giờ đây nhận thức về công tác lưu trữ, cũng như tài liệu lưu trữ đã thay đổi. Sau Chỉ thị của Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; suốt 5 năm qua, những người làm lưu trữ chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các trung tâm lưu trữ quốc gia phải tăng cường khai thác những tài liệu lưu trữ và tổ chức nhiều hoạt động nhằm đưa những tài liệu lưu trữ ra cho xã hội biết đến thông qua các cuộc trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ liên quan đến những ngày lễ lớn của dân tộc; biên tập các xuất bản ấn phẩm từ tài liệu lưu trữ như các cuốn sách về cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhìn từ phía bên kia hay cuộc triển lãm liên quan đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Mục đích cũng không ngoài phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Những người làm công tác lưu trữ có kiến nghị gì trong công tác lưu trữ, thưa bà?

Chúng tôi có mong muốn lớn nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác lưu trữ để làm sao hiện đại hóa công tác lưu trữ, cho tiến kịp với khu vực và quốc tế. Hiện, lưu trữ Việt Nam là thành viên của ban tổ chức quốc tế và hoạt động rất năng nổ, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để tiến kịp với các nước trên thế giới, ngoài hành lang pháp lý cho công tác này, Nhà nước cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kho tàng từ cấp TƯ đến địa phương, cấp kinh phí để ngành có điều kiện mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Yến (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN