Thương tiếc Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công: Trăm năm ấy biết bao nhiêu tình...

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Võ Chí Công là một trong những người con ưu tú của dân tộc và của đất Tam Xuân, Quảng Nam, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nhận được tin ông mất ngày 8/9/2011, chúng tôi tìm về quê hương ông tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Nơi đây, bà con láng giềng, họ hàng, lớp lớp thế hệ trẻ đều dành cho ông những tình cảm yêu quý và thiêng liêng không thể diễn tả bằng lời!

Người con ưu tú của dân tộc

Tháng 6/1988, Chủ tịch Võ Chí Công gặp lại gia đình anh hùng Núp. Ảnh: TTXVN


Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn, sinh năm 1912) quê quán tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1935. Trong suốt thời gian dài tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, ông đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về cách cư xử với bà con nhân dân, linh hoạt trong đối phó với giặc. Ông Nguyễn Văn Thạnh (SN 1925, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, là chiến sĩ bị địch bắt tù đày) có người anh là Nguyễn Hộ (Nguyễn Thảng) hoạt động cách mạng cùng với Võ Chí Công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp rưng rưng kể lại: Tôi là thế hệ đi sau, nhưng có may mắn là anh trai tôi hoạt động cùng thời với đồng chí Võ Chí Công nên tôi cũng có nhiều lần tiếp xúc và nhận được sự dạy bảo của anh. Tôi nhớ hồi những năm 1935 - 1940, anh Năm Công (tên thân mật của đồng chí Võ Chí Công) mở quán bán hàng tạp hóa mang tên “Liên Hiệp Nghĩa” tại quê nhà để tập hợp những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước cùng chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Có lần mật thám lùng bắt Võ Toàn tại quán này, bí quá Võ Toàn bèn bứt ngay trái chanh trong vườn và ngậm vào miệng giả làm người có cái bướu bên cạnh hàm khiến mật thám Pháp không thể nhận ra “đối thủ” ngay trước mắt mình. Sau khi cách mạng phát triển, Võ Chí Công lại tiếp tục lên đường đến những chiến khu, chiến trường khác để tham gia và chỉ đạo cách mạng với chức trách là Bí thư Khu ủy Khu V, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam… Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được giao giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí Thư; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng… Dù ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là người lãnh đạo, cố vấn xuất chúng với những quyết sách linh hoạt, góp phần chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi. Với những công lao và thành tích hoạt động cách mạng của mình, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trăm năm ấy biết bao nhiêu tình

Mắt ngấn lệ đã 2 ngày nay khi biết tin cậu mất, cô Trần Thị Thu (là cháu dâu, đồng thời là người chăm sóc vườn cây cũng như Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công rộng khoảng hơn 2 ha tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 cho biết: Mặc dù tiếp xúc với cậu Võ Chí Công không nhiều nhưng ấn tượng của tôi là tính giản dị và luôn quan tâm chăm sóc đến mọi người của cậu. Bao giờ cũng thế, mỗi lần về thăm quê là cậu nắm tay từng người (vì mắt cậu vốn đã yếu) ân cần hỏi thăm tình hình gia đình, sức khỏe và con cái, đồng thời động viên vượt lên khó khăn để đảm bảo cuộc sống.

Chủ tịch Võ Chí Công và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm cánh đồng lúa của xã Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: TTXVN


Ân cần, giản dị và luôn chăm lo quan tâm đến mọi người là đức tính thiên bẩm của Võ Chí Công. Anh Nguyễn Đình Hà, Trưởng Công an xã Tam Xuân 1 (có ông nội là ông Nguyễn Đình Chiến đã từng hoạt động với đồng chí Võ Chí Công) hồi tưởng lại: “Trong ký ức tôi về bác Võ Toàn qua lời kể của ông nội thì đây là con người kiên trung, một chiến sĩ cách mạng có tâm và tầm lớn, ảnh hưởng đến những chiến sĩ cách mạng khác cùng hoạt động. Vào những năm 1934 - 1937, gia đình tôi là cơ sở che giấu cán bộ hoạt động cách mạng, trong đó có bác Võ Toàn. Năm 1937, trong một lần mật thám bố ráp vây bắt Võ Toàn thì mọi người bố trí để bác Toàn chạy thoát, sau đó có một số người bị bắt, trong đó có ông nội tôi. Vào nhà lao Hội An, để đảm bảo cho bác Toàn tiếp tục hoạt động và gây dựng phong trào, ông nội tôi là Nguyễn Đình Chiến tự khai nhận mình là Võ Toàn để che mắt địch. Tuy nhiên sau hơn 1 năm thì bọn địch cũng biết người bị bắt không phải là Võ Toàn nên đánh ông tôi một trận “thừa sống thiếu chết” vì tội khai man rồi thả ra”.

Ghi những dòng chữ đầy cảm phục thế hệ đàn anh đi trước, trong sổ Vàng lưu niệm tại Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công, ông Nguyễn Tấn Trịnh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam) viết: “Mảnh đất yêu thương Tam Xuân đã sinh ra người con ưu tú của dân tộc. Cả cuộc đời đã và đang hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng; sự nghiệp và cuộc đời của đồng chí gắn bó với máu xương và mật thiết với đồng bào cả nước, với quê hương đã sinh ra đồng chí. Đây là phòng truyền thống cách mạng, là trường học cho các thế hệ trẻ Việt Nam, là tấm gương tiêu biểu cho Hội Người cao tuổi”.

“Phải chăm lo đời sống nhân dân địa phương, không để dân đói, dân đau, dân khổ” là câu nói cửa miệng của bác Võ Chí Công mỗi lần về thăm quê mà anh Huỳnh Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 luôn giữ gìn trong lòng và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được. Anh Dũng trầm tư khi nghe chúng tôi hỏi về tình cảm của anh đối với vị lãnh đạo cao cấp của đất nước vừa đi xa: Chúng tôi là thế hệ con cháu đi sau, bác Năm Công là bậc tiền bối, là tấm gương sáng để chúng tôi suốt đời phấn đấu, học tập để làm tròn chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng năm nào nhân dịp Tết cổ truyền, bác Năm Công đều gửi thư thăm hỏi đến đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong những năm gần đây, khi có dịp về thăm quê, bác Võ Chí Công luôn gọi lãnh đạo xã chúng tôi ra dặn dò riêng là cần phải nỗ lực hơn nữa chăm lo đến đời sống kinh tế cho bà con Tam Xuân. Bác Võ Chí Công ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Tam Xuân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm lo, bảo quản, giữ gìn Khu lưu niệm Võ Chí Công để không ngừng giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước, góp phần xây dựng quê hương trong thời kỳ mới”.

Một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người con ưu tú, một nhà lãnh đạo kiệt xuất luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân… là những ngôn từ mà nhân dân xứ Quảng cũng như của cả nước hay dùng khi nhắc đến đồng chí Võ Chí Công - Người suốt đời cống hiến cho công cuộc kháng chiến vệ quốc cũng như trong thời kỳ hòa bình dựng xây đất nước.

Nếu nói tóm tắt về quá trình cống hiến của đồng chí Võ Chí Công thì nhân dân Quảng Nam đã có câu đối tặng:

"Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng – Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công".

Nguyễn Sơn - Trần Tĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN