Thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng về phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất

Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương, trong đó các tỉnh Yên Bái, Sơn La ước thiệt hại mưa lũ gây ra khoảng 180 tỷ đồng.

Tập trung khắc phục hậu quả

Chú thích ảnh
Lực lượng Công an Lai Châu giúp dân di chuyển qua khu vực nước chảy siết. Ảnh: TTXVN phát

Để khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác, nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản.

Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm dân cư để tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét; bố trí lực lượng sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn; huy động các lực lượng, các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Đối với điểm dân cư bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, tỉnh yêu cầu UBND huyện Sìn Hồ chỉ đạo UBND xã Nậm Cuổi và các đơn vị liên quan triển khai lực lượng túc trực 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn phương án sơ tán tạm thời cho nhân dân nếu xảy ra tình huống nguy hiểm; tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng sơ tán theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sìn Hồ kiểm tra, rà soát các hạng mục thuộc Dự án sắp xếp bố trí dân cư tập trung ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao điểm bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, sớm hoàn thành dự án đảm bảo yêu cầu để triển khai phương án sắp xếp dân cư theo kế hoạch.

Chú thích ảnh
Nhà cửa, công trình tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bị hư hỏng, tan hoang sau khi cơn lũ quét qua. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương thực hiện phương châm "4 tại chỗ", di dời các hộ dân trong vùng bị lũ quét ra khỏi khu vực nguy hiểm; di dời các hộ dân có nhà bị sập, cuốn trôi đến nơi an toàn; các xã khẩn trương xây dựng phương án bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa.

Huyện đã huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng dân quân cơ động của các địa phương giúp xã Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải khắc phục hậu quả; huy động 25 xe, máy phương tiện các loại tập trung hót đất, đá sụt lở và cây đổ để đảm bảo thông đường. Cùng với việc khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện tích cực triển khai công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị thiệt hại. Đến thời điểm này đã hỗ trợ 54 triệu đồng cho hộ gia đình có người bị chết, đồng thời bố trí nơi ăn, nghỉ tạm thời cho các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn.

Huyện chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ huyện vận động cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện quyên góp quần, áo mới, cũ còn tốt cho nhân dân các xã bị thiệt hại. Mặt trận Tổ quốc huyện đã tiếp nhận 35 triệu đồng hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, cá nhân ủng hộ; tiếp nhận 920 kg gạo, 389 thùng mỳ tôm, 30 kiện nước, thực phẩm, quần áo, chăn đệm của các tổ chức, cá nhân ủng hộ…

UBND huyện đã ứng từ nguồn quỹ dự trữ hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tất cả các hộ dân có nhà bị sập trôi hoàn toàn đã nhận được gạo, thùng hàng cứu trợ và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tích cực khắc phục hậu quả vụ vỡ cống tràn xả thải Nhà máy luyện đồng Tả Phời. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đối với sự cố vỡ cống xả tràn hồ chứa bùn đuôi quặng, Nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, sáng 9/8, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã yêu cầu UBND thành phố Lào Cai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần đồng Tả Phời giải quyết nhanh những ảnh hưởng của sự cố; khẩn trương sắp xếp các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến môi trường để cảnh báo và di dời dân.

Cùng ngày, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng huy động phương tiện, máy móc phối hợp với lực lượng quân đội, Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố vỡ. Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, Mỏ tuyển đồng Sin Quyền... đưa phương tiện, nhân lực hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả.

Công ty Cổ phần đồng Tả Phời đã huy động phương tiện, máy móc, lực lượng tích cực vệ sinh môi trường khu vực bị ảnh hưởng, sửa chữa đường, đảm bảo giao thông; bố trí chỗ ở tạm thời, nước sinh hoạt và lương thực cho nhân dân; đồng thời, thống nhất với UBND xã Tả Phời, thành phố Lào Cai phương án kiểm đếm tài sản thiệt hại, hỗ trợ nhân dân.

Ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở sạt trên đường Hồ Chí Minh tại Km1.900+350 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt tại ở Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cùng hai khu vực sạt trượt ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), trong đó có hồ chứa nước Đắk N’ting vào trong nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Về lâu dài, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và tỉnh sẽ ưu tiên đề xuất, tập trung xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh.

Không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở

Chú thích ảnh
Mưa lớn làm sạt lở nhiều điểm trên quốc lộ 4D, đoạn qua phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Để tiếp tục ứng phó với diễn biến thiên tai phức tạp trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 8/8 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, địa phương phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Các bộ, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương tiếp tục ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chú thích ảnh
Ban quản lý đường bộ 1 cùng lực lượng chức năng huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) căng dây cảnh báo và không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 10/8, khu vực Bắc Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; từ ngày 11 - 13/8 có khả năng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, rải rác có dông.

Khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào, chủ yếu xảy ra tập trung vào chiều tối, đêm. Nửa cuối tháng 8, mưa dông sẽ mạnh hơn. Tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn nửa đầu tháng 8. Như vậy, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ ,Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các khu vực nêu trên cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vì sau một thời gian dài có mưa liên tục, nhiều địa phương ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có tổng lượng mưa trong 7 ngày qua (1 - 7/8) phổ biến từ 70 - 150mm. Do vậy, một số huyện thuộc khu vực trên có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh đang ở mức cao. Cụ thể, Sơn La có 175 xã thuộc 11 huyện với trên 940 điểm có nguy cơ sạt lở. Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện với trên 510 điểm có nguy cơ sạt lở. Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện. Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện với trên 300 điểm có nguy cơ sạt lở.

Thắng Trung (TTXVN)
Đảm bảo dòng điện trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất
Đảm bảo dòng điện trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất

Hiện nay, tình trạng mưa lũ, sạt lở đất đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trong cả nước. Giữ vai trò trục xương sống của hệ thống điện quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị đã và đang tiếp tục giữ vững và đảm bảo an toàn truyền tải điện, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN