Thực hiện chế độ cảnh vệ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khu vực trọng yếu

Chiều 6/6, Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ.

Giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như dự thảo luật Chính phủ trình

Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ. 

Cụ thể, áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật cảnh vệ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

Theo dự thảo luật, các khu vực trọng yếu gồm như:  Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội... cũng thuộc đối tượng cảnh vệ.

Trình bày báo cáo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao…, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị. 

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể và cần phân biệt “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ”; các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa Pháp lệnh cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến “quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ” (Điều 21). Theo dự thảo luật, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định ba trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết, còn việc sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ các trường hợp nổ súng, nhất là nổ súng “vô hiệu hóa đối tượng”. Có ý kiến đề nghị quy định nổ súng không cần cảnh báo để bảo vệ yếu nhân trong trường hợp cấp bách.

Có đại biểu đề xuất, nên sửa từ “bắn cảnh báo” thành “bắn chỉ thiên” để thống nhất với quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Vì nếu “bắn cảnh báo” thì bắn đi đâu, còn nếu quy định là “bắn chỉ thiên” thì là bắn lên trời và không gây hại cho ai.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, quy định “vô hiệu hóa” đối tượng quy định còn chung chung, chưa rõ ràng. “Trường hợp đối tượng chết có phải là vô hiệu hóa không? Đề nghị ban soạn thảo làm rõ vấn đề này”, đại biểu Trần Hồng Hà đề xuất. 

Xuân Phong/Báo Tin Tức
UBND các cấp có thể huy động lực lượng chữa cháy rừng
UBND các cấp có thể huy động lực lượng chữa cháy rừng

Vụ cháy rừng phòng hộ ở Sóc Sơn-vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Hà Nội, ngay trước ngày Chính phủ trình dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đây là một minh chứng đặt ra yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN