Thực hành dân chủ là sức mạnh của mọi thắng lợi

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: “Thực hành dân chủ là sức mạnh của mọi thắng lợi - Tư tưởng cơ bản trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của PGS,TS Đỗ Thị Thạch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là văn kiện có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là tài sản vô giá được Đảng và nhân dân Việt Nam trân trọng và xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc, mãi mãi là ngôi sao sáng soi đường cho chúng ta đi tiếp con đường mà Người đã lựa chọn, dẫn dắt dân tộc đi đến thắng lợi vinh quang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Trong tác phẩm Di chúc của Hồ Chí Minh, dù chỉ có hơn 1000 từ, song nội dung về dân chủ, về sức mạnh của thực hành dân chủ đối với thắng lợi của cách mạng đã được Người nhắc nhiều lần. Có thể coi Di Chúc là bản Tổng kết quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tựu trung ở một số điểm sau đây:

1. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi

Kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, kết hợp với giá trị truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã rất coi trọng xây dựng một chế độ dân chủ và chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi[1].

Một là: Dân chủ là nước lấy dân làm gốc

Tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở nhận thức về sức mạnh vô địch của nhân dân. Người viết: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Người đã sớm nhận thức được sức mạnh của quần chúng nhân dân, coi trọng dân, “lấy dân làm gốc” và Bác đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[2]. Người đưa ra một quan điểm toàn diện về dân chủ:

“ Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. [3]

Xuất phát từ tư tưởng nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh được phát triển thành nhân dân là chủ thể của nhà nước. Vì thế, việc nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước phải được đặt trên cơ sở coi vấn đề nhà nước là một khía cạnh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.

Nhà nước, theo Người, là của nhân dân: "Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội"(5). Nhân dân sử dụng Nhà nước như một công cụ để thực hiện lợi ích của mình: đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội, v.v..) là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân.

Hai là: Dân chủ là dân là chủ thể nhà nước, là sức mạnh của Đảng

Người hiểu rằng nhân dân là lực lượng vô cùng hùng hậu: “lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết”, “không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, tâm huyết để phân tích mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, Bác đã viết: nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng, nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường.

Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Dân như nước, cán bộ như cá. Cá không thể sinh tồn và phát triển được nếu như không có nước. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Do vậy, nếu không có dân, sự tồn tại của Đảng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ và các tổ chức quần chúng cũng vậy. Vậy nên, Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Chính phủ là do nhân dân bầu ra và bảo vệ; đồng thời Chính phủ phải thực hiện và bảo vệ những quyền dân chủ cho nhân dân.

Tóm lại, nhân dân là lực lượng dựng xây đất nước, là lực lượng hợp thành, nuôi dưỡng, bảo vệ các tổ chức chính trị, do vậy nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ chế độ, làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Xây dựng các điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ

Thứ nhất: Nâng cao dân trí

Làm thế nào để dân thực hiện được quyền làm chủ của mình? Đây là vấn đề được Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Theo Hồ Chí Minh, người dân chỉ thực sự trở thành người làm chủ khi họ được giáo dục, khi họ nhận thức được rõ ràng đâu là quyền lợi họ được hưởng, đâu là nghĩa vụ họ phải thực hiện. Để thực hiện được điều này, một mặt, bản thân người dân phải có ý chí vươn lên, mặt khác, các tổ chức đoàn thể phải giúp đỡ họ, động viên khuyến khích họ. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nếu nhân dân không được giáo dục để thoát khỏi nạn dốt thì mãi mãi họ không thể thực hiện được vai trò làm chủ.

Thứ hai: Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

Người dân chỉ có thể thực hiện được quyền làm chủ khi có một cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của họ. Đảng phải lãnh đạo xây dựng được một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; với hệ thống luật pháp, lấy việc bảo vệ quyền lợi của dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân gắn liền với việc nhà nước phải làm tất cả để đem lại một cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thực hành dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi vì có như vậy mới đem lại hạnh phúc, ấm no, tự do, bình đẳng cho nhân dân.

Đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu của chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ, có thực hiện dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng có sáng kiến, có dân chủ dân mới tin, mới dám nói, mới có sự sáng tạo và mới dám làm; phải thực hiện một nền dân chủ chân chính, không hình thức, không cực đoan; không ai được lợi dụng và lạm dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Điều quan trọng nhất theo Người, muốn có dân chủ thực sự cho người dân, thì phải chống quan liêu, tham nhũng vì những cái đó đối lập với dân chủ, nó cản trở việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Bản thân dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự kết hợp hữu cơ giữa quyền và nghĩa vụ, giữa sự sáng tạo của cá nhân với tính tổ chức, trách nhiệm của mỗi người dân. Nó không có chỗ tuỳ tiện lộng quyền, thói quan liêu và chủ nghĩa vô chính phủ.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện hai hình thức dân chủ này là nhằm khẳng định: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, mọi quyền hạn đều của dân… Việc gì cũng cần hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu rõ, được dân chúng đồng ý, do đó dân chúng vui lòng ra sức làm... “ Phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ phải quan tâm đến những kiến nghị, đề đạt của nhân dân: “phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới... Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được chúng ta đặc biệt chú ý”[5].

Lúc sinh thời, là người đứng đầu Nhà nước bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để tiếp dân, lắng nghe ý kiến của cán bộ, nhân dân. Bình quân mỗi tháng Bác đến với dân ba lần. Bác phê bình các Bộ trưởng, Thứ trưởng: các đồng chí phải tự hỏi xem mỗi tháng mình đến với dân bao nhiêu lần. Có đến với dân mới hiểu được dân.

Việc đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích của nhân dân, theo Bác là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của Nhà nước, của đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước, trong đó chống quan liêu, tham ô, lãng phí là nhu cầu và việc làm thường xuyên bảo đảm cho Nhà nước thật sự là công bộc của dân. Nếu thấu hiểu và làm đúng tư cách đó thì mỗi cán bộ, công chức có thể phòng, tránh, ngăn ngừa không phạm phải lỗi lầm kể trên. Còn nếu “ai đã phạm những lỗi lầm trên đây thì phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”[6].

Thứ ba: Phải thực hành dân chủ trước hết trong Đảng

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc thực hành dân chủ trước hết trong Đảng để thúc đẩy dân chủ trong xã hội phát triển, để thực hiện cho được quyền làm chủ của người dân, bởi Đảng chỉ có thể mạnh và thực hiện được vai trò cầm quyền của mình khi xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy sức mạnh của tất cả các đảng viên; đảng là tấm gương sáng để nhân dân, xã hội noi theo. Thực hành dân chủ trong Đảng căn cốt để thực hành dân chủ trong nhân dân, trong xã hội.

2. Ý nghĩa tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới hiện nay


Thực hiện tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và vai trò của dân chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi dân chủ là một nội dung quan trọng trong xây dựng, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu vừa là động lực để nhân dân vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, lại vừa là bản chất, là đặc trưng của chế độ mới. Những yếu tố dân chủ, tinh thần dân chủ, coi dân là gốc của nước đã hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta từ mấy ngàn năm qua, được kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa và phát huy trong điều kiện mới.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã triển khai mạnh mẽ sự nghiệp dân chủ hoá từ các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đặc biệt là kinh tế, trao cho nhân dân quyền chủ động sản xuất kinh doanh, chủ động cải thiện đời sống của mình. Dân chủ hoá đời sống xã hội đã khơi nguồn sáng tạo cho nhân dân trong lao động, sản xuất, tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhiều sáng kiến đã ra đời từ nhân dân góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì thế mà các nhiệm kỳ Đại hội trong thời kỳ đổi mới đã dành sự chú ý, quan tâm nhiều đến vấn đề dân chủ và đã đặt ra một cách dứt khoát mục tiêu xây dựng một chế độ dân chủ thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách các thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, coi đoàn kết là động lực của sự phát triển xã hội. Đảng ta không chỉ đưa dân chủ vào hệ mục tiêu đổi mới mà còn dành vị trí quan trọng cho dân chủ: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quán triệt tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta đã đưa nội dung dân chủ trở thành một trong những nguyên tắc hiến định trong 4 bản Hiến pháp kể từ khi Nhà nước dân chủ ra đời đến nay. Các bản Hiến pháp trên đều ghi rõ: ở nước ta tất cả các quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân. Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013) đã dành cho vấn đề quyền con người vị trí đúng tầm của thời đại.

Trong suốt quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã đề ra những nguyên tắc vận hành, thể chế hóa mục tiêu, đưa ra những phương châm hành động nhằm hiện thực hóa dân chủ vào cuộc sống ngày càng sâu, rộng và đầy đủ hơn. Đó là cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để thực hiện mục tiêu: Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ đã có bước phát triển mới và đạt được những thành tựu nhất định trong đời sống xã hội; các thể chế của nền dân chủ đang từng bước được mở rộng và hoàn thiện. Dân chủ được coi vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội; là điều kiện để nhân dân sáng tạo, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, vấn đề dân chủ cả về nhận thức và trong thực hành đang là một trong những nội dung cấp bách cần phải tập trung nghiên cứu và đề ra các giải pháp khắc phục nhằm tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, trong Đảng, để tạo ra sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp đổi mới tiến lên.

Trước hết, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ sao cho: bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc của dân”: bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Thứ hai, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân (điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện pháp lý…). Dân chủ là một phạm trù chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng, dân chủ có quan hệ mật thiết với cơ sở hạ tầng, nhất là các quan hệ kinh tế. Khó có thể xây dựng được một xã hội dân chủ thực sự khi đời sống kinh tế của người dân còn quá khó khăn, nền dân trí thấp, tâm lý, thói quen tiểu nông làng xã.

V.I.Lênin đã chỉ rõ: Người mù chữ đứng ngoài chính trị. Còn Hồ Chí Minh nhấn mạnh: người dân chỉ cảm nhận được giá trị thực tế của dân chủ khi họ được ăn no, mặc ấm, bởi nước nhà tranh đấu được độc lập tự do mà người dân vẫn đói rét, cực khổ, lạc hậu thì độc lập tự do đó cũng chẳng để làm gì. Theo đó, dân chủ muốn trở thành thực chất thì cần phải có những điều kiện cơ bản: có cơ chế rõ ràng mang tính pháp lý; có điều kiện về dân trí, dân khí (khí thế của người dân), dân sinh mới có thể thực hiện được quyền của mình.

Thứ ba, tập trung khắc phục khoảng cách giàu nghèo, phân tầng xã hội, đặc biệt kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm đang có xu hướng gia tăng. Đây là một yêu cầu cấp bách, nóng bỏng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay. Chỉ có phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân vào cuộc chiến sống còn với tham nhũng mới có thể đẩy lùi được nguy cơ này ra khỏi đời sống xã hội của chúng ta.

Thứ tư, để tiến tới mục tiêu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải tiến hành dân chủ hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ hóa là quá trình chuyển dân chủ từ khả năng thành hiện thực trong thực tiễn cuộc sống, là cuộc vận động xã hội rộng rãi, lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân. Việc thực hành những chuẩn mực, quy tắc dân chủ; tập làm quen với dân chủ; xây dựng lối sống dân chủ đưa nó vào thực tế hàng ngày; dần trở thành nề nếp, thói quen, nhu cầu của mỗi người và của cả cộng đồng. Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội là thực hiện nội dung toàn diện của dân chủ.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2002, T.12, tr.249
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, T.10, tr.239
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, T.5, tr.698
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, T.6, tr. 495
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, T.10, tr. 47 - 46
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, T.10, tr.58


TTXVN/Tin tức

Ký ức tuổi thơ về tình thương bao la của Bác
Ký ức tuổi thơ về tình thương bao la của Bác

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ lần được gặp Bác Hồ nhưng xúc cảm về lần gặp kéo dài 75 phút ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí cô Nguyễn Thị Mão. Những lời dặn dò và sự quan tâm của Bác lúc ấy đã trở thành động lực giúp cô sống và làm nhiều việc tốt, có ích hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN