Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt-Hàn đi vào chiều sâu

Nhân dịp Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sang Hàn Quốc dự Đối thoại Quốc phòng Seoul lần thứ 2 từ ngày 11-13/11 và Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 2 từ ngày 13-15/11, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh về một số nội dung liên quan đến hợp tác quốc phòng giữa hai nước và Đối thoại quốc phòng Seoul lần này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên TTXVN: Sau 21 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có bước phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Đặc biệt, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thời gian vừa qua, hai nước đã mở rộng quan hệ hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Xin Thứ trưởng cho biết những đánh giá khái quát về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay đã hơn 20 năm. Mặc dù thời gian đó chưa dài, nhưng quan hệ hai nước đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giao lưu dân sự…. Hiện Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là sau khi hai nước xác lập "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược" năm 2009.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trái).


Trên nền tảng đó, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng từng bước được xây dựng và phát triển nhanh chóng. Trước hết là giao lưu, tìm hiểu để hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ những vấn đề an ninh quốc phòng và từ đó hai nước đã đi đến một thống nhất rất quan trọng đó là giữa hai nước không có xung đột về quốc phòng và an ninh và có thể chia sẻ những lợi ích cũng như những thách thức về an ninh chung trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh nhận thức quan trọng đó, các lĩnh vực hợp tác khác như trao đổi đoàn, đào tạo, nghiên cứu chiến lược… cũng có bước phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng cũng là một lĩnh vực mà hai bên đang nỗ lực để có được những kết quả cụ thể trong tương lai.

Đặc biệt từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc thời gian vừa qua, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã có những bước phát triển mới tương xứng với khung quan hệ cũng như những thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Bộ Quốc phòng hai nước đã thống nhất là cần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho mỗi bên. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đào tạo, bạn đã tích cực giúp đỡ ta trong đào tạo ngôn ngữ, chỉ huy tham mưu và một số chuyên ngành khác. Trong nội dung trao đổi chiến lược, hai bên bên thống nhất cần trao đổi thường xuyên hơn để có cái nhìn chung về an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ những vấn đề giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, những kinh nghiệm của mỗi bên nhằm đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực....

Bên cạnh đó, hai bên cũng có những nội dung hợp tác mới trên bình diện đa phương, chẳng hạn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF)... Hai nước thường có quan điểm thống nhất với nhau về vấn đề an ninh, chia sẻ những kinh nghiệm trên bình diện đa phương và thường xuyên tham vấn để có thể đóng góp tích cực nhất vào thành công của những cơ chế đa phương này.

Mới đây, Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc. Đây là lĩnh vực mà Hàn Quốc có kinh nghiệm và bày tỏ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ cho ta, trước mắt là trong lĩnh vực đào tào, huấn luyện… Hai bên cũng đã phối hợp tổ chức thành công "Hội nghị các nước ASEAN và Hàn Quốc tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc" tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Phóng viên TTXVN: Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết những nội dung chính, đặc biệt là những vấn đề mới mà hai bên đề cập trong cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc lần này?

Từ khi thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng, hai bên có chế độ luân phiên hàng năm trao đổi đoàn cấp thứ trưởng và cấp làm việc. Tuy nhiên, với đà phát triển nhanh chóng trong quan hệ giữa hai nước, từ năm 2012, hai bên đã thống nhất tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm cấp thứ trưởng quốc phòng. Đây là kênh đối thoại chiến lược cấp cao nhất hiện nay về mặt quốc phòng giữa hai nước, trong đó hai bên cùng đánh giá tình hình an ninh quốc phòng liên quan đến mỗi nước và trao đổi các vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Cuộc đối thoại lần này cũng bao gồm hai nội dung trên.

Thứ nhất, hai bên đã trao đổi các vấn đề về an ninh khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Về cơ bản, hai bên đều thống nhất đánh giá tình hình an ninh khu vực có nhiều yếu tố tích cực là chủ yếu, đem lại những lợi ích cho các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á như Việt Nam và Hàn Quốc, song còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, ở khu vực Đông Bắc Á đó là vấn đề hạt nhân, nguy cơ nổ ra xung đột, vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh hàng hải…, còn ở khu vực Đông Nam Á đó là vấn đề an ninh hàng hải, tranh chấp lãnh thổ, chống cướp biển...

Có thể thấy, cả hai khu vực đều tồn tại những mặt tích cực thuận lợi cũng như những yếu tố tiêu cực, thách thức cần phải đẩy lùi. Hai bên đã đi đến thống nhất là mọi thách thức về an ninh đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và cách tốt nhất là tăng cường đối thoại giữa các nước, ngăn chặn xung đột vì một khi xung đột nổ ra thì không có lợi cho bất kỳ nước nào.

Hai bên cũng đi đến thống nhất một số vấn đề mới đang nổi lên như an ninh phi truyền thống, an ninh mạng… Đây là những thách thức mới nổi nhưng phát triển rất nhanh, ảnh hưởng đến tất cả các nước và trở thành những nguy cơ về an ninh mà lực lượng quốc phòng mỗi nước phải quan tâm. Không một nước nào có thể tự mình giải quyết được những thách thức này mà đòi hỏi phải được giải quyết trên cơ sở hợp tác quốc tế cùng có lợi, cùng nhận thức về một nguy cơ chung cho khu vực và từng quốc gia.

Thứ hai, về quan hệ song phương, trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc, hai bên đã phát triển và làm sâu sắc hơn những nội dung đã được thống nhất giữa Bộ trưởng quốc phòng hai nước, đồng thời xác định một số nội dung trọng điểm cần thúc đẩy.

Một là tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi các vấn đề chiến lược để cùng nhận thức đúng, đầy đủ, thống nhất các thách thức chung về an ninh làm cơ sở cho việc tăng cường hợp tác;

Hai là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, quân y. Việt Nam sẵn sàng mời các sinh viên Hàn Quốc sang học tiếng Việt, mời các sỹ quan cao cấp của Hàn Quốc sang tham dự khóa học về nghệ thuật chiến tranh tại Học viện Quốc phòng... Ngược lại, ta mong muốn Hàn Quốc tăng chỉ tiêu đào tạo cho sinh viên Việt Nam trong những lĩnh vực mà ta quan tâm như đào tạo tiếng Hàn, khoa học công nghệ, an ninh mạng... Phía Bạn đã ghi nhận đề nghị này và tôi tin sẽ có những chuyển biến tích cực trong tương lai;

Ba là hợp tác về an ninh biển, hải quân, cảnh sát biển. Hai nước có điểm chung là đều có bờ biển dài và có những vấn đề về an ninh biển, do đó hai bên có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Một nội dung mới mà ta đề xuất là vấn đề an ninh mạng. Hàn Quốc là một nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng, trong khi trình độ khoa học công nghệ của ta trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Vì vậy, với nội dung hợp tác này, Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm để giúp ta xây dựng lực lượng chuyên trách nhằm đối phó với những nguy cơ này. Đây là một lĩnh vực hợp tác mới mới và khó, nhưng tôi tin là hai bên có thể tìm ra cách thức để hợp tác một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, một nội dung hợp tác rất đặc thù giữa hai nước đó là giao lưu văn hóa văn nghệ và giao lưu sỹ quan trẻ. Hàng năm, hai bên có cử các đoàn văn công, quân nhạc sang biểu diễn tại mỗi nước. Đặc biệt vào năm ngoái, trong thành phần đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn có ca sỹ nổi tiếng thế giới Bi Rain, khi đó đang phục vụ trong quân đội, đã tạo dư âm rất tốt trong công chúng nước ta.

Đây là các hoạt động mang tính văn hóa văn nghệ và giao lưu giữa thanh niên nhưng tạo tiếng vang rất lớn nhất là với giới trẻ. Chúng tôi cũng thống nhất với phía Hàn Quốc là cần duy trì và thúc đẩy các hoạt động này để thanh niên hai nước thấy được mối quan hệ hợp tác quốc phòng không chỉ là dành cho các tướng lĩnh, các sỹ quan cao cấp mà xuống cả đến lớp trẻ đang phục vụ trong quân đội.

Một lĩnh vực nữa mà hai bên đang nỗ lực, nhưng chưa được như kỳ vọng, đó là hợp tác công nghiệp quốc phòng. Do cơ chế về công nghiệp quốc phòng giữa hai nước còn khác biệt nên việc hợp tác trong lĩnh vực này còn một số vướng mắc nhất định. Hiện tại, hai bên đang nỗ lực để tìm ra cách thức nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Tóm lại, đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc lần này đã thành công tốt đẹp và đáp ứng được kỳ vọng của cả hai phía.

Phóng viên TTXVN: Bên lề đối thoại quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc, Đoàn cán bộ quân sự cấp cao Việt Nam đã tham dự Đối thoại quốc phòng Seoul lần thứ hai. Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung trọng tâm của Hội nghị lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc đối thoại quốc phòng Seoul được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Hàn Quốc. Ý định của nước chủ nhà cũng như các quốc gia tham dự coi đây là dịp để đối thoại về các vấn đề an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và mở rộng ra Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là những vấn đề mới, thách thức mới về an ninh. Vì đây mới chỉ là lần thứ hai được tổ chức, nên cuộc đối thoại chưa định hình các nội dung cũng như hướng đi chính trong tương lai và theo tôi nó chỉ mới bắt đầu.

Hội nghị này lần này có nhiều nội dung, nhưng một nội dung được quan tâm và tập trung nhiều nhất là vấn đề an ninh mạng. Đây là vấn đề mới của cả thế giới nhưng hội nghị lần này coi đó là một trọng tâm vì bản thân các nước Đông Bắc Á đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của vấn đề này, đó không còn là vấn đề của tương lai.

Các nước đã tham gia ý kiến và đưa ra các sáng kiến để tăng cường hợp tác, nhưng nhìn chung hội nghị này được đánh giá là tương đối thành công ở ba khía cạnh.

Thứ nhất, thành phần tham gia tương đối phong phú, các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Mỹ, các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, EU, NATO đều gửi đại diện đến tham dự.

Thứ hai, các nước đều có sự chuẩn bị chu đáo và đưa ra các quan điểm, chính kiến của họ về các nội dung được đưa ra đối thoại. Thứ ba, công tác tổ chức của nước chủ nhà rất chu đáo, trọng thị.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, đây mới chỉ là bắt đầu. Cấu trúc hội nghị này phát triển theo hướng nào và sẽ đem lại lợi ích ra sao cho an ninh khu vực… thì cần có thời gian.

Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam!


Việt Cường – Phạm Duy
(P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

Putin làm mới quan hệ với Việt Nam và Hàn Quốc
Putin làm mới quan hệ với Việt Nam và Hàn Quốc

Nga mới đây gọi Việt Nam là đối tác địa chính trị quan trọng; và Hàn Quốc có thể là bàn đạp để kinh tế Nga tiến vào châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến thăm hai nước trên của Tổng thống Nga Putin một lần nữa khẳng định Moskva ngày càng chú trọng tới việc quay trở lại khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN