Thúc đẩy đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 26/12, chủ trì buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là một trong năm trọng điểm của tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn này, cần phải được các bộ, ngành và địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả.

 “Có tái cơ cấu được đơn vị sự nghiệp công lập , bộ máy hành chính sắp xếp được mới có thể nói đến chuyện lương bổng”, Phó Thủ tướng nói.

Đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục thực hiện việc trao quyền đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế Nhà nước cấp phát sang Nhà nước đặt hàng, từ hỗ trợ cho đơn vị cung cấp sang trực tiếp hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị công lập, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển cung ứng dịch vụ công, phát triển thị trường dịch vụ công có sự điều tiết của nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.


Nghị quyết cũng đề cập việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu đủ điều kiện. Thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, giải thể đơn vị công lập hoạt động kém hiệu quả, không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa, xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công.

Phó Thủ tướng cho rằng, khi đã cho phép có cơ chế hạch toán như doanh nghiệp là có thể giao đất đai, vốn và tài sản cho đơn vị đó. Nếu chỉ cho tự chủ về tài chính là tự chủ nửa vời. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, “nhận thức và quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đang còn hết sức mờ nhạt trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP (quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập) cũng như cho triển khai tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập”.


Để thúc đẩy đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về lĩnh vực này, rà soát lại quy chế hoạt động, cơ cấu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự kiến kế hoạch công tác năm 2017.


Đồng thời, tiếp tục kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Quyết định số 695, sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật có liên quan như: các nghị định về tự chủ trong từng lĩnh vực, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Các bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành và của các địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện cơ chế khoán chi trong thời gian tới.


Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định rõ hơn lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và xây dựng khung lộ trình giá. Bộ Tư pháp rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện quy chế tự chủ, nghiên cứu khả năng xây dựng một luật chung điều chỉnh về đơn vị sự nghiệp công lập.


Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực (loại nhà nước vẫn phải bao cấp, loại tự chủ hoàn toàn thì có thể hạch toán như doanh nghiệp, loại tự chủ được một phần, loại sẽ cổ phần hóa, loại cho giải thể vì hoạt động không có hiệu quả, loại có thể sát nhập lại); nghiên cứu các hình thức xã hội hóa các dịch vụ công; cải cách hành chính trong lĩnh vực sự nghiệp công.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII sẽ thảo luận và ban hành một Nghị quyết chuyên đề về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập , cần được các bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.


Huy động nguồn lực của xã hội 


Bộ Tài chính cho biết, đa số các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Quyết định số 695/QĐ-TTg. Các bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong từng lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ và đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế. Còn 5 nghị định chưa được Chính phủ thông qua gồm: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, văn hóa- thể thao và du lịch, giáo dục, nghề nghiệp, thông tin truyền thông và báo chí, giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công của các Bộ: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải. Còn 8 Bộ vẫn đang trình Thủ tướng dự thảo. Thủ tướng cũng ký ban hành 6 quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, còn 7 bộ chưa trình.


Qua việc thực hiện tự chủ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập , các bộ cho rằng phải đảm bảo huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội cung cấp dịch vụ công và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tự chủ vẫn còn nhiều vướng mắc về Luật công chức, viên chức, Luật đất đai,…


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Giám đốc đơn vị sự nghiệp công lập không đủ thẩm quyền để quyết định về nhân sự, như cho nghỉ việc cán bộ vì Luật công chức, viên chức không cho phép xử lý ngay như thế. Hay khi đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được thì cơ quan chủ quan giao đất cho đơn vị đó nhưng lại vướng Luật đất đai không cho phép”.


Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thì nêu Luật công chức, viên chức quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức nên việc tuyển dụng vị trí này phải theo Luật, khó đáp ứng được tính tự chủ, nhanh nhạy trong hoạt động của các đơn vị này. Chưa kể tại một đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc điều hành đều do Bộ trưởng bổ nhiệm nên khó “có tiếng nói chung”.


Lãnh đạo các Bộ đều cho rằng để tự chủ có hiệu quả và cũng là góp phần đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, cần phải sửa đổi các luật pháp liên quan.

Thanh Vân – Trần Phương
Các đơn vị công lập còn dè dặt sử dụng thẻ chi tiêu công
Các đơn vị công lập còn dè dặt sử dụng thẻ chi tiêu công

Việc thực hiện thanh toán một số khoản chi bằng thẻ chi tiêu công trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp tại các địa phương còn khá dè dặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN