Thừa Thiên - Huế: Chủ động cắt lũ vùng hạ du, ứng phó với sạt lở ở miền núi

Chiều 15/11, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai do Phó Chánh Văn phòng Vũ Xuân Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để nắm bắt diễn biến tình hình mưa lũ lớn trên diện rộng đang diễn ra tại địa bàn tỉnh cũng như công tác ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Văn phòng thường trực BCĐ quốc gia Phòng, chống thiên tai làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Do vậy, mặc dù địa phương đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó nhưng đến nay tình hình mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản. Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn. Hiện công tác chỉ đạo và phối hợp với đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch được thực hiện nhịp nhàng, góp phần điều tiết hợp lý nguồn nước, vừa đảm bảo cắt lũ, vừa đảm bảo an toàn hồ đập. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ người dân ở những khu vực bị ngập sâu theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đảm bảo đủ lương thực, sẵn sàng đưa đón người dân bằng ghe thuyền khi có nhu cầu khám chữa bệnh...

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đánh giá cao công tác chủ động điều tiết nước các hồ chứa trước đợt mưa lớn này của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt là công tác thông tin rộng rãi về diễn biến tình hình mưa lũ, thông báo sớm việc cho học sinh nghỉ học giúp người dân chủ động ứng phó tình trạng ngập úng trên diện rộng. Tuy nhiên, tỉnh cần điều hành linh hoạt, phát huy hơn nữa vai trò cắt lũ của hồ thủy lợi Tả Trạch để giảm lượng nước đổ về vùng hạ du trên sông Hương hiện nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, đợt mưa lớn lần này diễn biến khá nhanh, do đó mực nước trên sông Hương và sông Bồ nhanh chóng đạt trên dưới báo động III. Tỉnh chủ động vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi nhịp nhàng, góp phần cắt được đỉnh lũ. Hiện nay, đỉnh lũ trên sông Hương đang có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên lũ trên sông Bồ đang lên và diễn biến phức tạp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế là nguy cơ sạt lở ở các khu vực sườn đồi núi đang ở mức cảnh báo cao. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, di dời người dân ở vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương (phải) trao đổi công tác điều tiết xả lũ các hồ chứa tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Báo cáo từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 14.800 ngôi nhà đang bị ngập với mức độ khác nhau. Dự báo từ chiều 15 - 17/11, trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100 - 300mm, có nơi trên 400mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động III, gây ngập lụt diện rộng; cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Khẩn trương khắc phục sạt lở trên cao tốc La Sơn – Túy Loan
Khẩn trương khắc phục sạt lở trên cao tốc La Sơn – Túy Loan

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan) cho biết: Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua địa phận xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này đã gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN