Thủ tướng trả lời chất vấn một loạt vấn đề tại Quốc hội

Sáng 14/11, sau khi giải trình về các lĩnh vực mà các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước đang quan tâm (mời xem toàn văn Báo cáo giải trình), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến những giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục sự cố các công trình thủy điện...

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai).


Với tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong quản lý, điều hành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những yếu kém, khuyết điểm trong giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu để khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

 

Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao


Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về "văn hóa từ chức", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm ông theo Đảng, hoạt động cách mạng. Là một cán bộ, đảng viên, Thủ tướng đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo đầy đủ với Đảng, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về bản thân mình.


"Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Trung ương phân công, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội", Thủ tướng bày tỏ.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp


Trả lời chất vấn của các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về những giải pháp giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, lo lắng, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn thách thức mà doanh nghiệp đang phải đương đầu. Chính phủ luôn trăn trở, tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là lợi ích của doanh nghiệp mà cũng là lợi ích của cả nền kinh tế đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều cơ chế chính sách, nhiệm vụ giải pháp và đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước rất nhiều khó khăn, cần khắc phục. Theo đó, các nhóm giải pháp được Chính phủ đề ra là tập trung chỉ đạo, đảm bảo, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan tâm là phải kiềm chế lạm phát, không để lạm phát quay trở lại. Đây là giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp đỡ doanh nghiệp. Lạm phát cao, lãi suất cao thì tỉ giá biến động, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên, từ đó gây ra rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó mà duy trì và phát triển sản xuất, Thủ tướng giải thích.


 

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận).

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường duy trì tăng trưởng hợp lý. Không duy trì tốc độ tăng trưởng chung thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Muốn vậy, phải giữ mức tăng tổng cầu hợp lý, bao gồm tăng dư nợ tín dụng, tăng đầu tư công, đầu tư xã hội. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ tập trung chỉ đạo để từng bước bảo đảm cân đối hợp lý các cán cân thanh toán, bao gồm cán cân xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể. Cụ thể, sẽ có những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, bao gồm cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế thị trường đầy đủ, minh bạch, thuận lợi...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, cần thực hiện đồng bộ, đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, từng doanh nghiệp phải tự đổi mới mình, tính toán cơ cấu lại doanh nghiệp, phương án sản xuất... bằng khả năng, nội lực của mình vượt qua khó khăn.

 

Nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng thể chế


Trả lời câu hỏi của các đại biểu về những giải pháp của Chính phủ khắc phục yếu kém trong chủ đạo điều hành nền kinh tế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yếu kém, hạn chế lớn nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là ở nội dung xây dựng thể chế, cơ chế luật pháp.


“Có những thể chế, cơ chế luật pháp do Chính phủ xây dựng đề nghị Quốc hội thông qua, hay do chính Chính phủ vừa ban hành đã có những điểm không phù hợp, không sát cuộc sống, phải sửa đổi, bổ sung”, Thủ tướng nêu lên những bất cập cần tập trung khắc phục.


"Có những thể chế, cơ chế đã ban hành nhưng chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, nên chậm đi vào cuộc sống; khi có hướng dẫn thì thực hiện không đúng tinh thần; có những cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng thực thi không hiệu quả; đã ban hành, sau một thời gian không còn phù hợp, nhưng chậm sửa đổi. Ngoài ra, còn có tình trạng thực tế cuộc sống xuất hiện những nội dung đòi hỏi phải có thể chế, cơ chế để điều chỉnh, để thúc đẩy phát triển hoặc ngăn chặn tiêu cực nhưng khi xây dựng thì rất chậm chạp".


Việc tăng cường, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình, năng lực phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường năng động, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là nhóm giải pháp thứ hai Thủ tướng đề cập.


“Quản lý nhà nước phải quản lý bằng quy hoạch, kế hoạch, nhưng ngay quy hoạch, kế hoạch không phù hợp, không sát, kém chất lượng thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí đầu tư, làm chậm, cản trở tiến trình phát triển của đất nước”, Thủ tướng nói.


Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch để quản lý, điều hành.


Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.


Nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tổ chức của Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp cũng được coi là trọng tâm trong thời gian tới. “Sức mạnh trước hết từ bộ máy tổ chức. Vừa qua đã cơ bản thực hiện được nhiệm vụ nhưng vẫn còn khiếm khuyết. Cần làm tốt với tinh thần tinh gọn, hiệu quả, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, không để lĩnh vực nào mà không có cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý chính, tránh tình trạng một việc hai ba người; làm rõ phân công, phân cấp, giao quyền để đề cao trách nhiệm, phát huy năng động, sáng tạo của cấp dưới, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp trên, của Trung ương”.


Thủ tướng coi việc đề cao trách nhiệm, nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt trong thời gian tới.


Nhiệm vụ trọng tâm cuối cùng được Thủ tướng đề cập là thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tốt trách nhiệm của tập thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch cụ thể với tinh thần đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

 

Rà soát toàn bộ các thủy điện


Trả lời câu hỏi của Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về chủ trương, giải pháp để khắc phục dứt điểm những hạn chế của các nhà máy thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với chủ trương khai thác tiềm năng thủy điện, Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ đã đề ra các yêu cầu trong xây dựng thủy điện, trước hết là phải đảm bảo an toàn. “An toàn về hồ, đập, an toàn về tính mạng của nhân dân. Đây là yêu cầu cao nhất. Dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không làm”.


Các yêu cầu tiếp theo đối với các công trình thủy điện là việc di dân tái định cư tới nơi ở mới phải có điều kiện để từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ; không tác động lớn, không tác động xấu đến môi trường sống; bảo đảm hiệu quả phát điện và hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, môi trường. Muốn đảm bảo tốt các yêu cầu trên, các bộ, ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập dự án, xây dựng dự án thẩm định, thi công, vận hành.


Trên cơ sở những yêu cầu đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trên cả nước.


 

Đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh).

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện, các dự án đã có trong quy hoạch nhưng khi quyết định cho phép đầu tư vẫn phải thẩm định một cách chặt chẽ.


Giải trình thêm về thủy điện Sông Tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đến nay, các chuyên gia trong nước, cả hai công ty tư vấn hàng đầu của Nhật, Thụy Sỹ báo cáo đập thủy điện Sông Tranh bảo đảm an toàn. Các bộ chức năng như Công Thương, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng đều báo cáo thủy điện Sông Tranh an toàn. Thủ tướng khẳng định: Với ưu tiên cao nhất là an toàn tính mạng của người dân, Chính phủ đã yêu cầu chưa tích nước để phát điện cho mùa lũ này; giao Hội đồng nghiệm thu nhà nước lập tổ công tác, thường xuyên túc trực ở đập để theo dõi mọi diễn biến động đất, kịp thời có phương án báo cáo Chính phủ.


Chính phủ cũng thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu đến từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... có mặt ở hiện trường để theo dõi mức độ an toàn của đập. Thủ tướng cho rằng một trong những biện pháp quan trọng khác là công bố, công khai thường xuyên đầy đủ thông tin cho dân, hướng dẫn nhân dân các kỹ năng đối phó động đất, cùng với đó là tiếp tục đền bù, chi trả bồi thường cho những người dân có nhà bị nứt, hư hỏng do động đất, cũng như tiếp tục nghiên cứu về các thiệt hại khác có thể làm tổn hại người dân. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ cam kết làm hết sức, làm mọi việc có thể để đạt được mục tiêu này.


Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Toàn bộ phiên chất vấn được diễn ra dân chủ, công khai. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm các vấn đề lớn. Phần trả lời của các bộ trưởng đi vào nội dung các câu hỏi, giải đáp được hầu hết các vấn đề, đưa ra những kiến nghị cần thiết. Còn một số việc các đại biểu sẽ tiếp tục nhận được trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ, Thủ tướng bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những kết quả bước đầu của 9 thành viên Chính phủ đã gửi tới Quốc hội về việc thực hiện các kết luận, Nghị quyết của Quốc hội tại hai kỳ họp thứ 3, thứ 4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch các chất vấn của các đại biểu Quốc hội một cách hiệu quả trong thời gian tới.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong quản lý điều hành, tích cực phấn đấu thực hiện kế hoạch công tác của Chính phủ, trước mắt là năm 2012 và có kế hoạch hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2013 và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ cần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc còn nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm...

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nỗ lực gìn giữ y đức


Trước đó, đầu giờ sáng 14/11, phần chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được tiếp tục với những vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội được đông đảo cử tri, nhân dân cả nước quan tâm như tình trạng y đức xuống cấp, tai biến y khoa và vệ sinh an toàn thực phẩm.


Thừa nhận thời gian qua, tình trạng xuống cấp về y đức đang gây bức xúc trong nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn chỉ rõ những hành vi tiêu cực đang tồn tại trong ngành: Thái độ tiếp xúc với người bệnh chưa đúng mực; có việc nhận phong bì của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của một số nhân viên làm công việc đơn giản như thay băng, tiêm thuốc. Thực tế có tình trạng những người cho phong bì 50.000 đồng vào hồ sơ xếp hàng sẽ được vào khám, điều trị trước; một số y, bác sỹ nhận tiền của các hãng thuốc để kê đơn nhiều loại thuốc biệt dược cho bệnh nhân. Những hiện tượng này dù không phải phổ biến nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, đã làm hỏng hình ảnh tốt đẹp của ngành y tế.


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã ban hành nhiều văn bản về vấn đề y đức, thực hiện nghiêm nguyên tắc ứng xử của y bác sỹ gắn với Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bộ cũng đã chỉ đạo giám đốc các bệnh viện xử lý nghiêm những trường hợp nhận phong bì của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Nếu như phát hiện, có thể đuổi việc, Bộ trưởng khẳng định. Song song với đó, Bộ cũng gấp rút thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện để tăng giường bệnh; cố gắng đổi mới chế độ tiền lương, phụ cấp và nâng giá thành dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị, về lâu dài, để nâng cao y đức rất cần có sự ủng hộ tham gia của đồng bào cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội và cả người nhà bệnh nhân. Cần kiên quyết không đưa phong bì cho bác sỹ và nếu phát hiện cần chụp ảnh lại và gửi cho Bộ Y tế để xử lý.


Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi thẳng thắn của Chủ tịch Quốc hội về việc liệu thời gian tới, y đức có tiến bộ hơn không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết sẽ cải thiện.

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến những sự cố tai biến y khoa, tai biến sản khoa làm tử vong một số trẻ sơ sinh và sản phụ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, đó là những tai biến chuyên môn xảy ra ngoài mong muốn của cán bộ y tế do các yếu tố về bệnh lý của bệnh nhân.


Chia sẻ với các đại biểu, người dân về những trường hợp tai biến sản khoa vừa xảy ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, những người làm trong ngành y tế cũng rất đau lòng và trăn trở. Lý giải thêm, Bộ trưởng cho rằng, do quan niệm năm Nhâm Thìn là năm đẹp nên số trẻ sinh mới tăng cao ở mức 15% tức là hơn 100.000 ca so với mọi năm, gây quá tải ở mọi tuyến. Ngoài ra, thực trạng cơ sở vật chất kém, quy chế chuyên môn, năng lực hạn chế của một số cán bộ y tế thấp cũng là một trong các nguyên nhân để xảy ra tai biến. Một số chỗ, có việc sai sót dẫn đến tai biến, Bộ trưởng thừa nhận.


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, với mọi trường hợp sai sót dù do nguyên nhân gián tiếp, hay trực tiếp, Bộ cũng vẫn thành lập hội đồng kỷ luật để có hình thức xử lý. Bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về quy trình điều trị, chuyên môn; tiến hành thanh tra giúp địa phương về chuyên môn. Tuy nhiên, về lâu dài cần tăng số lượng bác sỹ sản nhi; quy hoạch và tăng cường chất lượng khoa sản nhi các tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho y tế để hạn chế sự cố này.


Giải đáp lo ngại của đại biểu Quốc hội về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc phát hiện một số loại trái cây, thực phẩm có chất cấm vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ nhận trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành trong công tác phát hiện, kiểm nghiệm thực phẩm. Vì vậy đối với thực phẩm nhập khẩu chính ngạch thì có thể yên tâm. Tuy nhiên, do thực tế xuất hiện nhiều loại thực phẩm nhập khẩu theo các đường tiểu ngạch nên gây khó khăn cho công tác kiểm soát.
Được Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo thêm với Quốc hội về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, chỉ rõ mối bức xúc lớn của người dân hiện nay là vấn đề rau sạch, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo, hiện nay, việc có các hộ trồng rau chỉ để bán chứ không ăn, xã nào cũng biết. Để chấn chỉnh thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp với hội phụ nữ tại cơ sở thực hiện cam kết: “Không trồng rau không an toàn”; đồng thời nhân rộng mô hình Chợ an toàn, cam kết không bán rau mất an toàn để kiểm soát đầu vào của các loại rau, hàng hóa.


Đề cập đến một thực trạng cũng đang gây hoang mang trong người tiêu dùng thời gian gần đây, đó là việc gà nhập lậu xuất hiện tràn lan, không chỉ gây mất an toàn về sức khỏe mà con gây thâm hụt kinh tế trong nước, Phó Thủ tướng khẳng định, loại thực phẩm này có 5 tác hại lớn, đáng chú ý nhiều trường hợp phát hiện có virút cúm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại về sức khỏe nhân dân. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Ban Chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã tiến hành quyết liệt cùng các bộ, ngành, thủ đô Hà Nội, các địa phương làm rõ và xác định được cả nước hiện có không quá 20 chủ hộ "đầu nậu" buôn bán gà nhập lậu. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu các chủ hộ này phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, nếu không sẽ xử lý, không cho tiếp tục kinh doanh nữa. Mặt khác, ở cấp xã phải kiên quyết không tiếp tay cho việc trà trộn gà nhập lậu vào gà nuôi để đem bán. Các cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý, xử phạt nghiêm khắc, ở mức thật cao để đảm bảo ngăn chặn gà nhập lậu. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tha thiết mong muốn cử tri, bà con nhân dân cả nước kiên quyết không ăn gà nhập lậu để bảo vệ sức khỏe của chính mình.


Chính phủ cũng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo dịp Tết, người dân có thực phẩm an toàn sử dụng, Phó Thủ tướng cho biết.


Cuối phiên chất vấn, “chốt” lại những nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng cho biết, những nội dung trên liệu có tiến bộ hơn trong thời gian tới hay không?


Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết, với nỗ lực của ngành y tế, cùng với sự tiếp tục đầu tư, nâng cấp cho lĩnh vực y tế của Quốc hội nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và với nhiều giải pháp của Bộ đang triển khai, những nội dung trên sẽ từng bước được cải thiện.


Đánh giá các câu hỏi chất vấn là thẳng thắn, phần trả lời của Bộ trưởng là chi tiết nên hơi dài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, qua phần chất vấn này, Quốc hội, cử tri cả nước ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ ngành y. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, nhất là sự xuất hiện nhiều bệnh mới, bệnh lạ, ngành y tế vẫn phải tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.


* Chiều 14/11, Quốc hội làm việc tại tổ để cho ý kiến lần đầu về 2 dự thảo: Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Luật Phòng, chống khủng bố.

 

Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh còn thiếu tính cụ thể


Thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh (GDQPAN), Các đại biểu đã cho ý kiến những nội dung cụ thể của dự thảo luật về: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh; bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về GDPQAN.


Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị bổ sung Điều 16 về bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, trưởng bản vì đây là những người có uy tín rất cao, cần tăng cường sự tham gia tích cực của họ trong công tác GDQPAN. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị mở rộng đối tượng người dân vùng sâu, vùng xa để nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ QPAN. Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, các chức sắc tôn giáo có vai trò đoàn kết nên cũng cần thiết phải đưa vào luật nhưng với cách thức phù hợp.


Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới nội dung GDQPAN cho đối tượng học sinh trung học và tán thành việc lồng ghép nội dung GDQPAN cho đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở thông qua các môn học khác. Theo đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), với đối tượng này, cần chú ý đến hình thức giáo dục, chú trọng phát huy tinh thần, ý thức của các em, ví dụ qua các học kỳ quân đội, hoạt động ngoại khóa. Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị cần nghiên cứu về định lượng kiến thức, tránh tình trạng quá tải và xem xét tính khả thi của quy định này.

 

Quy định rõ hơn các hành vi “khủng bố”


Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống khủng bố nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố mà không để phương hại đến lợi ích quốc gia.


Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị dự thảo cần đưa ra khái niệm rõ ràng, riêng biệt về khủng bố, xác định rõ hơn hành vi khủng bố phù hợp với thực tiễn Việt Nam và là cơ sở phân biệt với các hành vi chống phá khác, đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Hình sự. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ chủ thể có thẩm quyền xác định vụ việc khủng bố, chủ thể có thẩm quyền quyết định các biện pháp phòng, chống khủng bố như quyết định điều động quân đội, công an tham gia chống khủng bố, quyết định những nội dung cần hợp tác quốc tế…


Nhiều ý kiến đề nghị không thành lập lực lượng chuyên trách riêng, mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có. Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Chu Sơn Hà (Hà Nội), nhiều quốc gia thành lập lực lượng chống khủng bố riêng, nhưng trong điều kiện cụ thể ở nước ta, không nên lập lực lượng chuyên trách riêng, mà nên kiêm nhiệm với lực lượng nòng cốt là công an, quân đội. Tuy nhiên, cũng cần xác định vai trò trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong tình huống nhất định bởi trong những vụ có quy mô lớn, lực lượng theo quy định có thể chưa đủ.


Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể như: Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật, khái niệm “khủng bố”; nguyên tắc phòng, chống khủng bố; ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố; biện pháp phòng ngừa, chống khủng bố...


Thanh Hòa - Thiện Thuật - Phúc Hằng - Quang Vũ

Chất vấn tại Quốc hội đi vào những vấn đề bức xúc
Chất vấn tại Quốc hội đi vào những vấn đề bức xúc

Sau 2 ngày rưỡi diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã có những nhận xét cụ thể về nội dung trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN