Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum

Trong chương trình công tác tại tỉnh Kon Tum, sáng 20/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; giải quyết một số kiến nghị, đề xuất để Kon Tum phát triển nhanh, bền vững.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và một số tập đoàn kinh tế.

Đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu

Theo Tỉnh ủy Kon Tum, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Đảng bộ tỉnh, đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Năm 2022, Kon Tum đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,47%; thu ngân sách nhà nước tăng 10,56% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng gần 15,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các cây trồng chủ lực, có lợi thế như cà phê, cao su, mắc ca, sâm Ngọc Linh... được chú trọng phát triển. Công nghiệp tăng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 22,8%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 23,2%. Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng 6,8%; công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng lên. Công tác giảm nghèo giảm được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,86%. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm, thực hiện tốt…

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét phê duyệt quy hoạch tỉnh và Khu du lịch quốc gia Măng Đen; bổ sung quy hoạch, cho phép đầu tư cảng hàng không Măng Đen cùng một số dự án cao tốc kết nối vùng; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp tại một số khu vực; bổ sung vào quy hoạch phát triển điện gió tại Kon Tum; mở cửa khẩu phụ Hồ Le tại xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai với Campuchia; thống nhất cơ chế hỗ trợ người dân nhận khoán trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cho rằng, Kon Tum đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều thành tựu, nhất là những năm gần đây. Các đại biểu đề nghị tỉnh tập trung phát triển theo hướng bền vững, nhất là về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào 43 dân tộc ở địa phương.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tăng liên kết vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng cho rằng, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng 63%, hệ động thực vật đa dạng và hệ gen, giống quý như sâm Ngọc Linh... Dân số khoảng 580.000 người với 43 dân tộc anh em; điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên nước dồi dào; giao thông cơ bản thuận lợi.

Đặc biệt, Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia; vùng đất mang đậm nét văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều loại hình đa dạng, độc đáo còn được lưu giữ và phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ, Kon Tum sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển, nhất là về du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và còn không ít tồn tại, hạn chế. Đó là quy mô, tốc độ phát triển kinh tế còn hạn chế; chỉ số cạnh tranh thuộc nhóm trung bình; số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ gần 1.700 doanh nghiệp. Nông nghiệp chưa ứng dụng nhiều khoa học, công nghệ và chưa gắn với công nghiệp chế biến. Hạ tầng du lịch còn yếu, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế; xuất nhập khẩu còn ít; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa. Địa phương phải giữ vững quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, dân tộc, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 43 dân tộc trong tỉnh.

Trước mắt Kon Tum phải rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh, toàn vùng và cả nước...; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.

Tỉnh phải tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý liên quan đến đất đai, rừng, góp vốn và tài sản khác nhằm giải phóng nguồn lực lực tập trung cho phát triển. Kon Tum cần huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng xã hội, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế…; thúc đẩy các mô hình liên kết, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, để người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Tỉnh phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện, phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, công nghiệp chế biến...

Thủ tướng đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất; thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh. Tỉnh cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; trong đó tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế, nhất là sâm Ngọc Linh. Đồng thời, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch theo hướng hiện đại gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc.

Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum và đại diện các nhà đầu tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng, Kon Tum cần có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học, công nghệ. Tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là dự án, công trình trọng điểm; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thông tin, viễn thông, thủy lợi; tập trung phát triển nguồn nhân lực.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tỉnh Kon Tum đẩy mạnh thực chất, hiệu quả cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tỉnh tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội; chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng.

Kon Tum phải tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai tồn đọng; chủ động phát hiện, xử lý sớm các nguy cơ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đông người.

Cùng với đó, Đảng bộ Kon Tum tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kon Tum, sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp thảo luận, cùng với cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung, Thủ tướng Chính phủ nhất trí xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Kon Tum phối hợp xử lý, căn cứ tình hình, theo lộ trình phù hợp; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét, nhất là các nội dung liên quan phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen, phát triển điện gió, cơ chế hỗ trợ người dân nhận khoán trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su…

Thủ tướng nhắc nhở, việc giải quyết các kiến nghị phải bám sát thực tiễn, căn cứ tình hình thực tế, đồng thời xem xét tính đặc thù của từng, trường hợp, địa phương; những vấn đề chưa có quy định thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung. Việc giải quyết các khúc mắc, mâu thuẫn trong quá trình phát triển phải trên nguyên tắc “hài hòa lợi tích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm; việc gì bất lợi, có hại cho dân, cho nước thì hết sức tránh”.

Phạm Tiếp (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum

Sáng 20/8/2023, tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum để đánh giá tình hình phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN