Thủ tướng đi bộ cùng trẻ khuyết tật

Nhân kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4/2014), sáng 6/4, tại khu vực hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình đi bộ “Chung bước yêu thương – Trao niềm hy vọng” lần thứ nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng ngàn người dân, hàng trăm trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố đã tham gia đi bộ, ủng hộ chương trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu đi bộ với người khuyết tật tại chương trình. Ảnh: Đức Tám/TTXVN


Với mục đích đồng hành cùng người khuyết tật trong hoạt động xã hội, chương trình đi bộ “Chung bước yêu thương – Trao niềm hy vọng” tiếp tục khẳng định sự hòa nhập của người khuyết tật và tạo niềm tin giúp người khuyết tật xây dựng cuộc sống; đồng thời là lời tri ân các tổ chức, cá nhân đã từng tham gia chia sẻ... Chương trình còn là thông điệp kêu gọi cộng đồng và toàn xã hội tham gia ủng hộ quỹ bảo trợ người khuyết tật Việt Nam; góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của người khuyết tật trong cả nước.

Đánh trống khai mạc chương trình, phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc, những năm qua, Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Công tác chăm lo cho người khuyết tật những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, người khuyết tật được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, được trợ giúp pháp lý. Nhiều người khuyết tật đã tự tin hơn, không ngừng phấn đấu, rèn luyện trở thành những tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực. Không ít người khuyết tật đã đạt được thành tựu trong học tập, trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong khoa học công nghệ, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao… Nhiều trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi ngày càng đang tự tin, vững bước trên con đường học tập, chuẩn bị hành trang vào đời, lập nghiệp.Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những tấm lòng cao quý, những tình cảm sâu nặng của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước, của bạn bè quốc tế, trong khó khăn vẫn dành dụm, sẻ chia, gom góp để trợ giúp, động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi nỗ lực phi thường, ý chí vươn lên, tự tin tạo dựng cuộc sống, hòa nhập xã hội của người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về người khuyết tật. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp liên quan đến người khuyết tật, nhất là trong dạy nghề và việc làm, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe; gắn dạy nghề với tạo việc làm. Có chính sách hiệu quả khuyến khích người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động vì lợi ích của mỗi người, của doanh nghiệp và của toàn xã hội. Thực hiện nghiêm, đầy đủ Luật Người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật hoàn nhập cộng đồng xã hội tiếp cận các công trình xây dựng... Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật; thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế trong công tác trợ giúp người khuyết tật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và đồng hành với người khuyết tật, trẻ mồ côi ngày càng sâu rộng, có kết quả thiết thực.

Việt Nam là quốc gia có số lượng người khuyết tật khá lớn với khoảng 6,7 triệu người, trong đó 3,6 triệu là nữ, hơn 5 triệu người sống ở nông thôn và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác chăm lo đối với người khuyết tật tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn không ít gia đình người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, còn nghèo, còn thiếu thốn. Nhiều người khuyết tật còn thiếu tự tin, chưa có nghề, thiếu việc làm, nhà ở còn tạm bợ; còn nhiều trẻ mồ côi chưa được đến trường, chưa được chăm sóc ở mức hợp lý chu đáo. Chưa có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người khuyết tật mà nguyên nhân là do không tìm hiểu và chưa thấy khả năng làm việc thực sự của họ.

Cũng trong khuôn khổ chương trình “Chung bước yêu thương – Trao niềm hy vọng” lần thứ nhất, Ban tổ chức đã quyên góp được hơn 10 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp cho quỹ bảo trợ trẻ khuyết tật. Theo ban tổ chức, chương trình sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm và mở rộng ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Quang Vũ
Chủ tịch nước tham gia đi bộ 'Sánh bước yêu thương'
Chủ tịch nước tham gia đi bộ 'Sánh bước yêu thương'

Sáng 1/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng hơn 7.500 người dân và người khuyết tật của Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình đi bộ từ thiện “Sánh bước yêu thương” nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế Người khuyết tật 3/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN