Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Tại Nghị quyết số 56/NQ-CP ban hành ngày 4/8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ban ngành và địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.


Chuyển biến tích cực


Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực: Giá tiêu dùng tăng thấp, lãi suất, tỷ giá thị trường ngoại hối ổn định; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và tiếp tục xuất siêu; tiến độ thu ngân sách cao hơn cùng kỳ các năm trước.

 

Nhờ được vay vốn, nhiều cơ sở sản xuất trong nước có điều kiện đầu tư sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Cũng theo đánh giá của Chính phủ, việc giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi với tốc độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.


Điều đáng mừng, trong 7 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp tuy vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai nhưng vẫn phát triển tốt. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao.


Tuy nhiên, nghị quyết của Chính phủ cũng chỉ rõ: tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 vẫn chưa hết những khó khăn. Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ phức tạp. Trong khi đó, thiên tai vẫn diễn biến bất thường, tình hình mưa lũ, nhất là hoàn lưu cơn bão số 2 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và xã hội nước ta.


Nỗ lực các giải pháp


Để thực hiện được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, không để dồn vào thời điểm cuối năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; kiên quyết thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng.


Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; rà soát, tập trung nâng cao giá trị sản xuất và năng suất lao động các ngành công nghiệp còn khả năng tăng trưởng cao, nhất là ngành khai thác khoáng sản và công nghiệp chế tạo, chế biến. Phát triển mạnh và khuyến khích tiêu thụ trong nước để tăng tổng cầu; thúc đẩy đàm phán và sớm ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại để đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường…


Để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các lối mở qua biên giới, hoạt động tạm nhập, tái xuất.


Theo Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn khả năng phát triển; chỉ đạo sản xuất lúa gạo bảo đảm nguồn cung xuất khẩu; triển khai chăn nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là chăn nuôi ngắn hạn; tăng cường phòng chống dịch bệnh với gia súc, gia cầm; phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với kiểm soát chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, khuyến khích sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước. Bộ cần chủ động phối hợp triển khai các phương án đối phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại.


Theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp huy động, xúc tiến, khuyến khích đầu tư xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án FDI, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát tình hình, nhu cầu và phương án xử lý vốn, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2014.


Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, chiếm đoạt thuế, chống chuyển giá, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét tổ chức lại mô hình cửa hàng miễn thuế và khu phi thuế quan, xử lý buôn lậu qua biên giới, điều chỉnh thuế xuất thuế nhập khẩu phân bón. Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi; phân bón; đồng thời phối hợp với các bộ, các cơ quan tiếp tục thực hiện lộ trình và minh bạch cơ chế giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.


Trong Nghị quyết 56/NQ-CP, Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ tăng cường giám sát chất lượng và tiến độ thi công các dự án; phối hợp chỉ đạo quản lý tải trọng các phương tiện vận tải; bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn trên các tuyến đường bộ, cảng biển.


Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết cũng giao các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.


Nghị quyết khẳng định: UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.

 

Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN