Thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia dự báo, khí hậu đang trở nên cực đoan hơn, hạn hán, nắng nóng kéo dài ở nhiều vùng. Mưa lũ lớn, dông lốc bất ngờ gây ngập úng trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Có thể nói, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân.


Thời tiết bất thường nhiều lần xuất hiện

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác phòng chống thiên tai 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, tại miền Bắc, sau khi xảy ra rét hại bất thường ở Sa Pa (Lào Cai) là đến đợt nắng nóng lịch sử, có nơi nhiệt độ lên tới 42 độ C tại Bắc Bộ và Trung Bộ, dông lốc đặc biệt lớn ở Hà Nội vào tháng 6/2015. Sau đó, tới trận mưa “lịch sử” tại Quảng Ninh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong khi đó, tại các tỉnh miền trung như: Ninh Thuận, Đắk Lắk… lại đang bị khô hạn kéo dài làm hàng ngàn gia súc bị chết, cây cối khô héo…

Khắc phục hậu quả lũ lụt tại Quảng Ninh. Ảnh: Minh Quyết- TTXVN


Trong 8 tháng đầu năm, thiên tai làm 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương; hơn 1.130 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi do mưa lũ; nhà bị ảnh hưởng tốc mái và ngập nước là hơn 30.000 căn nhà; khoảng 200.000 ha lúa bị hạn hán, hơn 45.000 ha lúa bị thiệt hại; 4.636 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… tổng thiệt hại gấp 3,5 lần trung bình mọi năm, ước tính 5.465 tỷ đồng( chưa bao gồm thiệt hại do hạn hán).

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai sẽ vẫn diễn biến bất thường từ nay tới giữa năm 2016. Lượng nước sẽ thiếu hụt ở cả ba vùng từ 30-50% so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn sâu, sẽ xuất hiện nhiều tình huống thiên tai cực đoan.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chúng ta đã có kế hoạch hành động, ban hành các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, yêu cầu các bộ ngành xây dựng các chiến lược ứng phó. Tuy nhiên, chúng ta không thể lường hết được những điều bất ngờ xảy ra, thời tiết sẽ nóng hơn, lạnh hơn, mưa lớn hơn, hạn hán hơn… Do vậy, nâng cao nhận thức của người dân, bộ, ngành để ứng phó với các tình trạng bất thường của khí hậu là quan trọng nhất.

Từ thực tế ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho rằng, công tác dự báo còn nhiều bất cập, đặc biệt về dự báo mưa. Ngoài ra, việc triển khai phòng chống lụt bão ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ còn hạn chế, vì nhiều nơi chủ quan sẽ không xảy ra thiên tai lớn. Mưa lớn tại Quảng Ninh vừa qua là một bài học. Chúng ta quy hoạch khu mỏ, bãi thải, đô thị, cấp thoát nước, hồ chứa… còn thiếu hệ thống quan trắc, chưa được kiểm định an toàn. Ngoài ra, người dân thiếu các kỹ năng, chưa được tập huấn để ứng phó với các tình huống bất thường của thiên nhiên.

Cung cấp kỹ năng sống cho người dân

Từ thực tiễn phòng chống thiên tai, các đại biểu đề xuất, cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến mưa lũ, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là ở cấp thôn, bản để các ban ngành và người dân biết chủ động phòng, tránh.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, quan trọng nhất là đẩy nhanh công tác tuyên truyền, để người dân có đủ thông tin, cung cấp cho họ kỹ năng sống để họ ứng phó và giúp đỡ người khác. Ở Nhật Bản và một số nước khác, người dân được trang bị kỹ năng đối phó với động đất, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt… để họ biết làm gì trong điều kiện thời tiết bất thường. Như vậy, mới tạo ra các cộng đồng bền vững, ứng phó được với các bất thường của khí hậu. Ngoài ra, người dân cũng cần các kỹ năng ứng phó với các “nhân tai” như sự cố hóa chất, cháy nổ… để tự bảo vệ. Tăng cường diễn tập để người dân có kinh nghiệm ứng phó.

Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ vừa qua, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần thực hiện rà soát lại các quy hoạch phát triển đô thị, trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch thoát nước đô thị, xác định các vùng có nguy cơ ngập lụt thường xuyên tính toán thiết kế hệ thống bơm cưỡng bức để thoát nước.

Do biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, “Cần phải tập trung xây dựng phương án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; trong đó, tập trung cho các phương án để phòng chống siêu bão, nắng hạn, mưa lớn và nước biển dâng; tập trung nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, trồng rừng ngập mặn ven biển, tăng cường công tác trồng rừng để cải tạo phục hồi môi trường trên các khu đất trống đồi trọc và trên các bãi thải mỏ”, ông Long cho biết thêm.

Bên cạnh đó, “Theo dõi thường xuyên, cập nhập dự báo về El Nino cho người dân. Hiện nay có 1.150 trên 7.000 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các địa phương cần quan tâm tới vấn đề này để đảm bảo an toàn cho người dân trước các hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết thêm.

H.V
7 cách ứng phó biến đổi khí hậu siêu "cool" trên thế giới
7 cách ứng phó biến đổi khí hậu siêu "cool" trên thế giới

Nhiều thành phố trên thế giới đã và đang tìm kiếm những giải pháp tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh phải gánh chịu tác động của những hình thế thời tiết cực đoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN