Thi tuyển lãnh đạo để thu hút người tài

Khi câu chuyện tinh giản biên chế để loại bớt những công chức làm việc không hiệu quả, tạo điều kiện thu hút người tài vào nền công vụ còn đang gây những hoài nghi trong dư luận về tính khả thi thì việc Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổ chức thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam vào tháng 4 năm nay như một lời giải đáp phần nào những nỗ lực này.


Rõ ràng, minh bạch


Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo không phải vấn đề xa lạ. Một số địa phương như Long An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã thí điểm thi tuyển một số chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng cấp Sở và lãnh đạo một số đơn vị sự nghiệp công lập từ vài năm trước. Tỉnh Quảng Ninh trong năm 2013 đã rất thành công trong thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở và đã chọn được 12 lãnh đạo cho các sở, người trẻ nhất sinh năm 1982. Song, việc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng ở một Tổng cục được cho là “màu mỡ” như Tổng cục đường bộ Việt Nam đã gây “sốt” trong dư luận ngay từ khi Đề án này được manh nha từ cách đây gần một năm và chính thức được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án thí điểm tại Quyết định số 4099/QĐ-BGTVT ngày 12/12/2013. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhìn nhận việc Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thi tuyển Tổng cục trưởng là một tín hiệu đáng mừng trong việc đổi mới thể chế tuyển dụng nhân sự và rất cần được khuyến khích để những người có năng lực tự tin tham gia thi tuyển, tin vào việc thi tuyển. Thi tuyển phải rõ ràng, minh bạch để dẹp nạn "chạy chức, chạy quyền”.

 

Thi tuyển công chức vào Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTV


Với những quy định khá chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng dự thi, Bộ Giao thông Vận tải đang đi những bước thận trọng trong việc tìm người tài. Để lọt qua vòng nộp hồ sơ, người dự thi phải là người trực thuộc Bộ và ở các cấp Vụ trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng; Hiệu trưởng các trường đại học, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các viện; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các tổng công ty, Giám đốc các sở Giao thông Vận tải. Người dự thi phải có quá trình công tác trong lĩnh vực giao thông vận tải ít nhất 10 năm, đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên; tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp và quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. Đề án thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng quy định rõ chỉ tổ chức thi tuyển sau khi đã được Ban cán sự đảng Bộ phê duyệt danh sách người dự thi, số lượng dự thi tối thiểu là 2 người, tối đa là 5 người, người trúng tuyển là người có kết quả thi cao nhất và sau khi có ý kiến thống nhất của các ban của Đảng ở Trung ương.


Cần người tài, dám dùng người tài


Nhìn nhận về việc lựa chọn, tìm kiếm và tiến cử có thực tài đảm đương việc nước, phục vụ nhân dân ở một số địa phương thời gian qua nói chung và việc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở Bộ Giao thông Vận tải nói riêng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định đây là một khâu đổi mới đột phá trong công tác cán bộ, điều đó cho thấy chúng ta cần người tài và dám dùng người tài. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là giải pháp để khắc phục những tiêu cực trong công tác cán bộ mà lâu nay dư luận vẫn râm ran chức này, chức nọ có “giá” bao nhiêu. Thi tuyển cạnh tranh sẽ lựa chọn được những người tài, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều quan trọng là phải thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình tổ chức thi tuyển, thành viên hội đồng chấm thi phải thực sự công tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, trung thực, không bị các yếu tố bên ngoài chi phối.


Chưa đến ngày nộp hồ sơ, chưa lộ diện những người ứng thi và dư luận vẫn không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi liệu ngoài nguồn nhân sự tại chỗ của Tổng cục, ai có đủ “can đảm” để tham gia dự tuyển, khi mà những quy định của Bộ đề ra khá ngặt nghèo? Bởi, sự e dè, thiếu quyết tâm, tâm lý ngại thi không đỗ ảnh hưởng đến uy tín vẫn là căn bệnh cố hữu trong mỗi người. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết trong trường hợp không có ứng viên đối thủ, chỉ có một người nghĩa là cạnh tranh bằng không, việc thi tuyển vẫn có thể diễn ra bình thường, không cứng nhắc là phải có đủ số dư.


Tuy nhiên, với quy định số lượng dự thi tối đa là 5 người, Thứ trưởng này cho rằng, đã là thí điểm và thi để chọn những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực bổ nhiệm vào vị trí chức vụ Tổng cục trưởng thì những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều được đăng ký với mục tiêu chọn những người xứng đáng nhất để có thể đảm đương chức trách, nhiệm vụ được giao ở cương vị đó. Theo quan điểm của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo phải đảm bảo giữ được nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.

 

Những người ứng cử phải có hồ sơ “sạch”, minh bạch, rõ ràng, ngoài đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định về trình độ, về phẩm chất, năng lực, dứt khoát phải nằm trong quy hoạch ứng cử chức vụ đó hoặc tương đương. Song, người ứng cử không nhất thiết phải ở tại bộ đó mà có thể là công chức của bộ, ngành khác hay các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được quy hoạch vào chức danh tương đương. Đây cũng là một nội dung trong Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng do Bộ Nội vụ soạn thảo trình Bộ Chính trị phê duyệt.

 

Chu Thanh Vân

Ngành giao thông thi tuyển tổng cục trưởng

Chưa có tiền lệ, lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lập đề án thi tuyển người đứng đầu cơ quan cấp Tổng cục vào tháng 4 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN