Thi nâng ngạch không phải là chính sách tiền lương

Lần đầu tiên, việc thi nâng ngạch theo phương pháp cạnh tranh đã được Bộ Nội vụ áp dụng vào các kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Những đổi mới này đã tạo “cú sốc” lớn trong giới công chức, viên chức khi số người thi bị trượt là không nhỏ. Không ít ý kiến vào ra xung quanh những đổi mới này. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam để làm rõ hơn về các kỳ thi vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: vietnamnet.vn


*Phóng viên:Thưa Thứ trưởng, có thể nói các kỳ thi nâng ngạch theo phương pháp cạnh tranh được Bộ Nội vụ tổ chức vừa qua rất được dư luận ủng hộ nhưng đã gây sốc trong các cơ quan có cán bộ, công chức, viên chức đi thi bởi trước nay, họ vẫn thường trực tâm lý “thi là đỗ”, xin ông cho biết rõ hơn về các kỳ thi này.


* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh là thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức nhằm lựa chọn được người đủ trình độ, năng lực để bố trí vào các vị trí cao hơn trong nền công vụ. Tuy nhiên, từ nay trở đi, việc tổ chức thi nâng ngạch không chỉ tuân thủ theo nguyên tắc cạnh tranh mà hơn nữa còn chú trọng vấn đề chất lượng. Như vậy, những người được bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn trong nền công vụ sau mỗi kỳ thi đều phải là những người được tuyển chọn có trình độ, năng lực cao hơn.

Trải qua một thời gian dài, từ 1998 đến 2010, việc tổ chức thi nâng ngạch mới chỉ tập trung vào việc giải quyết chế độ, chính sách là chính, kỳ thi được tổ chức không có số dư, không có cạnh tranh. Thi nâng ngạch bao gồm cả cử và thi. Chỉ những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được cơ quan xem xét, cử đi thi mới được tham dự kỳ thi. Người dự thi chỉ cần thi đủ các môn thi và mỗi môn thi chỉ cần đạt từ 55 điểm trở lên (thang điểm 100) là được bổ nhiệm vào ngạch dự thi.

Đến nay, thực hiện Luật Cán bộ, công chức, tất cả cán bộ, công chức nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định đều được đăng ký dự thi; số lượng người dự thi phải bảo đảm có số dư - trường hợp số người cử dự thi bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu nâng ngạch, Bộ Nội vụ sẽ điều chỉnh chỉ tiêu để bảo đảm có số dư. Tổ chức thi theo số dư, mang tính cạnh tranh, lại chú ý nâng cao chất lượng, do đó, không phải cứ "thi là đỗ". Tâm lý cứ đi "thi là đỗ" chính là tư duy cũ, là nguyên nhân của tỷ lệ phần trăm những người không làm được việc, tạo nên sức ỳ của nền hành chính. Như thế, không biết đến bao giờ chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức mới được nâng lên. Nhất là hiện nay, nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, trong đó có nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

*Phóng viên: Nhiều người “than” đề thi môn kiến thức chung khó, Bộ Nội vụ có cố tình “làm khó” để đánh trượt thí sinh?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đề thi của các môn thi được xây dựng trên cơ sở các nội dung ôn thi đã được hướng dẫn và được giới thiệu công khai. Hội đồng thi không ra đề thi nằm ngoài các nội dung đã hướng dẫn cho cán bộ, công chức. Trong 4 môn thi, môn ngoại ngữ và tin học là môn điều kiện cùng với môn chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn kiến thức chung được đưa ra theo hướng đề thi mở và cho người dự thi được sử dụng tài liệu. Môn kiến thức chung này sẽ khó đối với những người chỉ quen sao chép từ tài liệu sách vở. Những người biết kết hợp giữa hiểu biết đã học và kinh nghiệm công tác đã trải qua để làm bài thì câu hỏi không khó chút nào. Ai đó suy nghĩ rằng Bộ Nội vụ làm khó để đánh trượt thí sinh là rất sai lầm. Những người trượt do chưa đạt yêu cầu về năng lực, trình độ để bước lên một bậc cao hơn chỗ mình đang đứng, là đúng quy luật của cuộc sống.

Là cơ quan được giao quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm đối với nhà nước và nhân dân trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng ngạch là sự thăng tiến về chuyên môn nghiệp vụ. Sự thăng tiến đó phải dành cho những người có đủ trình độ, năng lực, những người có thể cống hiến và phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Nâng ngạch không phải là chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm không để sự thăng tiến đó trở thành một sự đãi ngộ, một sự giải quyết chế độ, chính sách.

*Phóng viên: Thực tế chủ yếu thi trượt và điểm thấp nhất là môn kiến thức chung – môn do Bộ Nội vụ chấm, ông nghĩ sao về hiện tượng này? Có ý kiến cho rằng điểm thi phụ thuộc rất nhiều vào người chấm, nếu bài không hợp “gu” người chấm, chắc chắn điểm bị thấp, ông thấy thế nào?

*Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Môn thi nào cũng có điểm cao và điểm thấp. Môn kiến thức chung ra theo đề mở, được sử dụng tài liệu. Nếu không suy nghĩ để làm bài mà chép ở trong sách ra, điểm sẽ không cao được. Nhiều ý kiến cho rằng, những người quen dựa vào sách vở, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và thiếu sự chủ động, sáng tạo thì không nên đi thi vì đi thi với hành trang như vậy làm sao đỗ được. Về công tác chấm thi, những người được mời tham gia Ban chấm thi đều là các nhà khoa học, nhà lãnh đạo và quản lý, có trách nhiệm, có trình độ, kiến thức và tất cả đều đã làm việc rất nghiêm túc và trung thực, có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm việc chấm thi tuân thủ nguyên tắc khách quan, công bằng và chất lượng. Tuy nhiên, để tránh chấm theo "gu", Hội đồng thi đã có cả khung đáp án chi tiết để bảo đảm việc đánh giá các bài thi tuân thủ theo một tiêu chuẩn thống nhất, không phụ thuộc vào vào cá nhân người chấm.

*Phóng viên: Không phải cán bộ công chức, viên chức nào cũng giỏi môn tiếng Anh và tin học nhưng điểm thi các môn này tương đối cao và cao hơn hẳn môn kiến thức chung, vậy có “vấn đề” gì trong quá trình coi thi hay chấm thi không?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Môn ngoại ngữ và môn tin học là môn thi điều kiện, đều thi trắc nghiệm, chọn phương án đúng là chủ yếu. Theo tiêu chuẩn ngạch dự thi để ra đề thi. Điểm thi các môn này thực ra không cao như người ta tưởng, môn ngoại ngữ cũng chỉ đạt ở mức trung bình và trung bình khá. Đấy là chưa nói hiện nay, máy tính đã trở thành một phương tiện thông dụng trong hoạt động ở công sở. Việc coi thi và chấm thi đều bảo đảm đúng quy chế. Hội đồng thi đã sử dụng cả máy phá sóng để tránh sử dụng điện thoại trong phòng thi, vi phạm quy chế thi. Tôi khẳng định là không có tiêu cực và vi phạm quy chế trong quá trình coi thi và chấm thi.

*Phóng viên: Bài thi chuyên viên cao cấp, phần thi viết đề án, nhiều người đã tái mặt khi bốc đề không đúng lĩnh vực mình chuyên quản, hiểu nôm na như giáo viên toán mà bốc đề văn, vậy đây có phải là một bất cập, làm khó người thi?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp có phần thi viết và bảo vệ đề án. Có thể nói rằng, đề án đã được phân ra thành gần 20 lĩnh vực chuyên ngành để cán bộ, công chức đăng ký trước mình sẽ thi ở lĩnh vực nào (mỗi chuyên ngành cũng giống như môn toán, môn văn vậy). Mỗi lĩnh vực có một số các tên đề án đã được xây dựng trước để cán bộ, công chức bốc trong phòng thi. Thí sinh bắt thăm được tên đề án nào sẽ viết đề án đó. Để tránh làm khó người dự thi, nếu cán bộ, công chức bốc tên đề án mà không trùng với lĩnh vực mình đang làm việc hoặc có sở trường sẽ được bốc lại cho tới lần 3. Nếu vẫn không phù hợp, Chủ tịch Hội đồng trực tiếp giao tên đề án cho người dự thi theo đúng lĩnh vực công tác để làm. Nhiều người và cả Hội đồng đều cho rằng cách làm như thế là được, bảo đảm khách quan và công bằng, dân chủ trong thi cử.

*Phóng viên: Có người có đến 2 – 3 bằng đại học, trình độ thạc sỹ, đang là cán bộ quản lý nhưng vẫn thi trượt, ông có lý giải gì? Đây có phải là tình trạng ngồi nhầm chỗ không?

*Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vấn đề có bằng cấp cao hoặc nhiều bằng cấp không phải là yếu tố quyết định việc đỗ hay trượt. Kỳ thi nâng ngạch là kỳ thi sát hạch, kiểm tra về trình độ, năng lực, phẩm chất. Đây không phải là kỳ thi kiểm tra bằng cấp xem ai có nhiều bằng cấp mà là kỳ thi đánh giá năng lực để bố trí vào các vị trí cao hơn trong nền công vụ. Cần lưu ý rằng: học vị và học vấn là các khái niệm có nội hàm khác nhau. Không phải cứ có học vị cao là có thể đảm nhận được các vị trí cao hơn trong nền công vụ. Điều mà chúng tôi kỳ vọng ở cán bộ, công chức là trình độ và năng lực thực tiễn để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Đây cũng không phải là ngồi nhầm chỗ. Bởi thi nâng ngạch là để chuyển đến một vị trí cao hơn trong nền công vụ. Không đỗ trong kỳ thi này, nghĩa là chưa thể đảm nhận các nhiệm vụ cao hơn, phức tạp hơn vị trí hiện thời đang giữ mà thôi.

*Phóng viên: Tỷ lệ trượt cao như vậy, ông có bị áp lực nào từ phía các cơ quan có cán bộ đi thi?

*Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tại sao lại không?. Nhưng cơ bản đại đa số mọi người ở các cơ quan có cán bộ, công chức dự thi đều hiểu là trong điều kiện cải cách chế độ công vụ, công chức, cần phải nâng cao chất lượng kỳ thi. Những người đỗ đều phải thực sự xứng đáng với chức danh công chức cao hơn và họ có thể đảm nhận các nhiệm vụ, các vị trí khó khăn, phức tạp hơn những nhiệm vụ mà họ đang được giao đảm nhận. Do đó, tôi cũng thấy những gì Bộ Nội vụ đang làm đều được mọi người ủng hộ và chia sẻ nhiều. Tôi mong rằng, các cơ quan và nhân dân tiếp tục ủng hộ các cải cách của Bộ Nội vụ đang làm để có một nền công vụ phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

*Phóng viên: Có thông tin từ năm 2014 sẽ bỏ thi nâng ngạch, thay vào đó là xét tuyển, ông cho biết quan điểm của mình?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc nâng ngạch nhất thiết phải qua kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh. Luật cán bộ, công chức đã quy định như vậy. Do đó, không thể bỏ được trừ phi sửa đổi Luật.

* Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Chu Thanh Vân (thực hiện)

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được cử tri
Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được cử tri

Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tiếp thu, giải trình các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên nội dung trả lời chưa sâu, chưa đúng trọng tâm vấn đề cũng như chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN