Nội dung của buổi làm việc về các kiến nghị của tỉnh Tây Ninh và Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng như: sớm điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa nước Dầu Tiếng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; về đầu tư nguồn vốn sửa chữa, nâng cao an toàn cho hồ nước cũng như các kênh chính Đông, chính Tây; sớm triển khai dự án lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho các nhà máy nước của TP Hồ Chí Minh; bổ sung quy hoạch hồ Dầu Tiếng theo hướng phát triển đa mục tiêu, trong đó có khai thác nguồn tài nguyên (nước, cát, sỏi) bền vững, phát triển du lịch.
Tham gia buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và một số sở, ngành của tỉnh Tây Ninh.
Báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước hiện nay. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.
Hồ có dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước đạt 2.700 km2. Nhiệm vụ chính của hồ là tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp (Tây Ninh 76.000 ha, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh 12.000 ha, Long An 12.000 ha).
Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn tạo nguồn tưới cho vùng hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông thêm trên 40.000 ha; đồng thời cung cấp nguồn nước sinh hoạt tương ứng 3,7 triệu m3/ngày đêm cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguồn tài nguyên nước từ trước và hiện nay được xác định là hết sức quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Riêng tỉnh Tây Ninh có công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng rất quý giá, với trữ lượng 1,5 tỷ m3. Qua 32 năm quản lý, sử dụng các ngành, địa phương đã khai thác tốt tiềm năng này.
Ngoài việc sử dụng tưới cho 108.000 ha cây trồng nông nghiệp, nguồn nước hồ Dầu Tiếng còn được sử dụng cho hoạt động sản xuất công nghiệp rất có hiệu quả, đặc biệt là sử dụng vào mục đích sinh hoạt cho người dân các tỉnh vùng hạ du, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn nữa là các địa phương, các ngành đã từng bước cùng nhau tham gia quản lý, bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ nước, công tác vệ sinh môi trường và khai thác tiềm năng, lợi thế của hồ Dầu Tiếng đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu những bất cập của hồ Dầu Tiếng mà các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm xử lý trong thời gian tới là công trình đưa vào sử dụng đã 32 năm, các hạng mục đập chính, đập phụ, cống tràn xả lũ... xuống cấp; hoạt động khai thác tài nguyên (sử dụng nguồn nước, khai thác cát, sỏi...) trong hồ chưa được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ; việc vận hành, điều tiết nguồn nước trong hồ trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã lạc hậu, không kịp thời; công tác quản lý, khai thác ở từng địa phương còn chồng chéo, chưa thống nhất, kém hiệu quả...
Sắp tới, Bộ sẽ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành, địa phương liên quan sẽ đánh giá tổng quan, toàn diện lại công trình hồ Dầu Tiếng, để có cơ sở quy hoạch, đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ đạt hiệu quả theo hướng khai thác đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch, nhưng bảo đảm không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và an toàn của hồ.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã kịp thời cho tạm dừng các điểm khai thác cát sỏi trong hồ Dầu Tiếng để chấn chỉnh, đánh giá lại hoạt động khai thác nguồn tài nguyên này, đưa vào quản lý cho có hiệu quả và bảo đảm an toàn hồ đập.