Thảo luận dự thảo Luật Quảng cáo và dự thảo Luật Giáo dục đại học

Sáng 14/11, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo bởi trên thực tế có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực nhưng người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến ai.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, phát biểu ý kiến. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cần chú trọng, tập trung điều chỉnh để hạn chế những vấn đề đang gây nhiều bức xúc hiện nay trong hoạt động quảng cáo như: Quảng cáo sai sự thật, làm mất mỹ quan, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong xã hội, quảng cáo ảnh hưởng đến môi trường, giao thông, quảng cáo trá hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật cũng cần tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo đáp ứng yêu cầu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tránh đưa ra những quy định cứng nhắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần quy định cụ thể đối tượng có trách nhiệm bồi thường do quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trước hết, trách nhiệm đó thuộc về tổ chức, cá nhân quảng cáo, nhưng cũng không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phát hành quảng cáo bởi người tiêu dùng đặt lòng tin vào uy tín của họ để mua sản phẩm.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) cũng cho rằng, cần quy định rõ hơn nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại của người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người cho thuê quảng cáo... Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: Cấm sử dụng thông tin đời tư khi chưa được sự đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Đây là quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền công dân, tránh lạm dụng khai thác thông tin riêng của cá nhân vì mục đích quảng cáo, nhất là quảng cáo thương mại, đồng thời cần cấm quảng cáo bằng gửi email và điện thoại di động cá nhân khi chưa được sự đồng ý trước đó của người nhận.

Nhiều đại biểu cũng chưa đồng tình với việc bỏ thủ tục cấp giấy phép, tăng cường hậu kiểm đối với quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn bởi loại hình quảng cáo này tại hầu hết các đô thị đang diễn ra phức tạp, tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan rất phổ biến. Trong khi đó, điều kiện căn bản nhất để bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời là có quy hoạch quảng cáo thì chưa đầy đủ.

*Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học còn quá khắt khe. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu dẫn chứng: Chương IV dự thảo Luật về hoạt động đào tạo có 6 điều thì có tới 5 điều quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng quy định, từ mở ngành, chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, chương trình, giáo trình đến tổ chức và quản lý đào tạo, văn bằng giáo dục đại học. Các đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh)… cũng tỏ rõ những băn khoăn về vấn đề này.

“Nên quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm ngay trong luật này, cùng với đó, nên quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm” – đại biểu Hồ Thị Thủy kiến nghị. Các đại biểu Lê Văn Học, Nguyễn Văn Tuyết, Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Phạm Thị Trung (Kon Tum) thì cho rằng quyền tự chủ là vấn đề trọng tâm, cần thiết, Luật cần quy định chi tiết hơn về lộ trình thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và việc kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử lý vi phạm và các điều kiện để bảo đảm thực hiện được quyền tự chủ này. Cần cân nhắc kỹ và có bước đi thận trọng trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trước mắt chỉ nên giao cho cơ sở đủ năng lực, đồng thời ban hành quy định về tiêu chí nào, tiêu chuẩn nào thì được giao quyền tự chủ và tự chủ ở mức nào. Không chờ đến khi Luật ra đời mới làm mà phải vận dụng nền pháp lý đang có để thực hiện từng bước, từng phần giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học.

Các đại biểu cho rằng tăng quyền tự chủ nhưng phải tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, không chỉ sử dụng quyền lực kiểm định của Bộ Giáo dục – Đào tạo mà cần có sự tham gia của cả các tổ chức, hiệp hội ngành nghề chuyên môn. Đại đa số đại biểu đề xuất việc kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học là điều bắt buộc nhằm giúp các trường nâng cao chất lượng.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục phải là đơn vị độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Luật cần bổ sung cơ chế chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học và cả những tổ chức thực hiện việc kiểm định để đảm bảo công bằng giữa các cơ sở giáo dục.

Đóng góp cho nội dung về Hội đồng trường, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhận định: Quy định về Hội đồng trường như trước đây không có tác dụng nhiều, cái gì cũng xin phép Nhà nước. Nếu thực hiện tăng quyền tự chủ thì phải có Hội đồng để thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng Luật chưa quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu hoạt động của Hội đồng trường, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường, mối quan hệ giữa Hội đồng trường, hiệu trưởng và các tổ chức khác. Những điều này cần được quy định cụ thể trong Luật – đại biểu nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sau phiên họp, dự án Luật sẽ tiếp tục được thảo luận kỹ, tiếp thu tối đa các ý kiến để có thể thông qua tại kỳ họp sau. Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách mời thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội nghị vào đầu 2012 để tiếp tục lấy ý kiến và tổ chức các hội thảo lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo.

l Trước đó, đầu buổi chiều, các đại biểu đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, nghe và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Với 82,4% đại biểu tán thành, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 493,67 nghìn tỷ đồng, tổng thu cân đối ngân sách địa phương là 269,2 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 633,87 nghìn tỷ đồng, trong đó có 151,6 nghìn tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở trung ương, mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố, tăng 3% mức bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối so với năm 2011 trên cơ sở phân loại các nhóm tỉnh.

Thanh Hòa- Thanh Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN