Thảo luận dự án Luật Thủ đô

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật Thủ đô và việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.


Thảo luận về dự án Luật Thủ đô, đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định trong dự thảo luật về các vấn đề khác như nội thành, ngoại thành, cư trú, xây dựng bệnh viện… là những quy định giống như đối với các đô thị lớn khác, chứ không phải là quy định đặc thù, khác biệt đối với Thủ đô. Đại biểu đề xuất ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng dự thảo luật theo hướng có phần điều chỉnh riêng cho trung tâm hành chính chính trị quốc gia để làm nổi bật vai trò, vị trí của Thủ đô.


Thảo luận về biểu tượng của Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, không nên chọn hình ảnh Khuê Văn Các làm biểu trưng cho Thủ đô vì từ trước tới nay khi nói tới Việt Nam, thế giới thường hay liên tưởng tới hình ảnh Tháp rùa Hồ Gươm hay Chùa Một Cột, chứ không phải là hình ảnh Khuê Văn Các. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng lựa chọn như ban soạn thảo lấy Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô là hợp lý. Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng chọn biểu tượng cho Thủ đô - trái tim của cả nước phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, HĐND thành phố không thể thay mặt cả nước quyết định biểu tượng của Thủ đô. Nếu không, phải là Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định - đại biểu đề xuất.


Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề quản lý đất đai không chỉ là vấn đề bức xúc của Hà Nội mà của tất cả các địa phương. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, đại biểu nhất trí với quy định cho HĐND được phép ban hành các giải pháp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ công trình, giải quyết cho người dân, phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng.


Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng: Còn một số điều trong dự thảo luật khiến cho đại biểu quốc hội khóa trước (khóa XII) chưa đồng tình cao như quản lý dân cư và cơ chế tài chính. Trong cơ chế tài chính, tờ trình Dự án Luật Thủ đô tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII nêu rõ 2 phương án: Hà Nội chi những số tiền vượt dự toán Hà Nội thu được, theo phân bổ của Trung ương. Phương án 2 là Hà Nội chi phần vượt dự toán trừ những khoản không phải thu trên địa bàn Hà Nội, mà chỉ hạch toán nộp trên địa bàn Hà Nội. Còn về quản lý dân cư, dựa trên ý kiến của Đại biểu Quốc hội khóa XII và Luật cư trú; cụ thể hóa Pháp lệnh Thủ đô hiện nay và cụ thể hóa Luật cư trú. Việc quản lý dân cư mặc dù là dựa trên biện pháp quản lý hành chính, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời trước mắt. Biện pháp lâu dài là biện pháp kinh tế xã hội và quy hoạch. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, biện pháp quản lý hành chính đối với dân cư cũng là quan trọng”.


Theo đại biểu Trần Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế: “Luật Thủ đô với mục đích làm sao Thủ đô xứng tầm là cơ quan đầu não chính trị. Luật Thủ đô cần phải có đặc thù để giảm bớt về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nước thải, quá tải nhà ở… Đối với các cơ sở y tế, trường học trong trường học, theo tôi không tăng quy mô ở cơ sở cũ mà phát triển cơ sở hai. Thực tế tiền giải phóng mặt bằng và tiền xây dựng rất lớn”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng: “Biện pháp quản lý hành chính nhập cư thực ra chỉ giảm trên sổ sách giấy tờ, còn thực tế con người sống và làm việc tại đó không giảm. Bình thường theo luật thì sau một năm mới được nhập khẩu, còn thực hiện theo dự thảo Luật Thủ đô thì 3 năm sau mới nhập khẩu. Tuy nhiên nếu không cho nhập khẩu thì có thể giảm trên sổ sách, còn số người thì vẫn thế không giảm”.


Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Luật Thủ đô để nâng cao địa vị chính trị, pháp lý, mô hình tổ chức hành chính đặc thù, phản ánh được đô thị đặc biệt, tương xứng Thủ đô nên tôi ủng hộ có Luật Thủ đô. Theo tôi, thực chất “ruột” của dự thảo Luật Thủ đô nằm ở chương II liên quan đến vấn đề quản lý đô thị. Thực tế đô thị nào cũng liên quan đến vấn đề này như xử lý hành chính, quản lý dân cư, trật tự đô thị, quản lý môi trường, xây dựng. Đáng tiếc là Luật đô thị chưa làm. Thực tế vấn đề nhập cư là bức xúc chung của đô thị hiện nay, không riêng gì Hà Nội. Do đó tôi muốn có định chế pháp lý đặc thù quản lý Thủ đô ngang tầm”.


Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô nặng về quản lý nhiều hơn. Cho ý kiến về việc quy định mức thu phí giao thông vận tải và xử phạt hành chính cao hơn, đại biểu nêu quan điểm các địa phương làm tốt trên cơ sở luật pháp, trong khi đó Thủ đô lại có cơ chế đặc biệt. Đại biểu cho rằng, Hà Nội cần phải bình đẳng như các địa phương khác.


Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ các vấn đề về quy định mức thu phí cao hơn; quản lý dân cư; xử phạt vi phạm hành chính; cơ chế, chính sách về tài chính…


Tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.


Nhiều ý kiến thống nhất với nội dung của Tờ trình đề nghị, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng quy mô thí điểm chế định này, nhằm mục tiêu xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện thừa phát lại có hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tốt hơn.

 

Quỳnh Hoa - Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN