Thảo luận biện pháp xây dựng kết cấu hạ tầng Thủ đô

Sáng 7/4, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XV) bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm quý II và 9 tháng cuối năm 2012 của thành phố. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã chủ trì Hội nghị.

Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khung hiện đại và những tiêu chí cơ bản về kết cấu hạ tầng của một Thủ đô văn minh, môi trường bền vững; phấn đấu đến năm 2020 khắc phục úng ngập và cơ bản giảm ùn tắc giao thông trong nội đô; đồng thời xây dựng các cơ sở hàng đầu của đất nước về chuyển giao - ứng dụng khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, du lịch để trở thành trung tâm công nghệ cao, thương mại lớn của cả nước gắn với khoa học công nghệ, chế tạo sản phẩm mới chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, gắn công nghiệp với đảm bảo an ninh quốc phòng.


Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 cơ bản giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN



Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều đồng tình với 5 giải pháp, gồm: Tập trung rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng; Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; Thực hiện cải cách hành chính, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và quản lý khai thác hệ thống hạ tầng hiệu quả; Nâng cao năng lực, trách nhiệm điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, củng cố, tăng cường năng lực quản lý dự án để đáp ứng nhiệm vụ được giao; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.

Trước sự băn khoăn của nhiều đại biểu về việc huy động vốn để thực hiện thành công kế hoạch trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia; đồng thời sẽ đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BTO (xây dựng-chuyển giao-kinh doanh) và mô hình hợp tác công-tư (PPP). Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác các nguồn thu trên địa bàn để tăng khả năng tập trung ngân sách cho đầu tư phát triển, quan tâm các nguồn thu từ bán đấu giá, đầu thầu, cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước mà Hà Nội hiện đang quản lý. Thành phố sẽ đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hợp lý và hiệu quả vốn đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, coi các khoản đầu tư từ ngân sách và có nguồn gốc ngân sách là nguồn “vốn mồi”. Đặc biệt, thành phố sẽ khắc phục tư tưởng bao cấp qua đầu tư bằng ngân sách.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với điều kiện đặc thù: Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển và đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Thành ủy khóa XV đã lựa chọn khâu đột phá là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ban hành 9 chương trình công tác cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó có Chương trình 06 về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Chương trình 07 về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 - 2015.

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trên, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện từ nay đến năm 2015 và 2020; có lộ trình, bước đi phù hợp, phân công rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, tiến độ hoàn thành, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm đồng bộ giữa phát triển hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội.

“Trên cơ sở đối chiếu với danh mục 37 dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011-2015 đã được HĐND thành phố thông qua, Hà Nội sẽ nghiên cứu, lựa chọn để xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng đô thị phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thủ đô, bảo đảm tính liên hoàn, đồng bộ, bền vững, từng bước hiện đại, phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực, vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, Hà Nội cần rà soát, ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng khung của thành phố, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Thanh Bình
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 13 - NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN