“Thành quả” không mong đợi

Làn sóng biểu tình rầm rộ bùng nổ trong nhiều ngày qua đã phơi bày một thực trạng đáng báo động tại Ai Cập: sau khi chính phủ của Cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, bất đồng sâu sắc giữa phái Hồi giáo với các lực lượng đối lập tại Ai Cập vẫn tồn tại và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của quốc gia này.


Cuộc đối đầu mới bùng nổ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ban hành tuyên bố hiến pháp quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng Lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.


Trong khi lực lượng thân tổng thống cho rằng, tuyên bố hiến pháp mới nhằm thúc đẩy cải cách, đẩy nhanh việc hoàn thành tiến trình chuyển giao dân chủ; các thủ lĩnh đối lập lại chỉ trích sắc lệnh nói trên đã bóp chết sự độc lập của tòa án, tạo điều kiện cho vị tổng thống thân Hồi giáo thao túng quyền lực theo chiều hướng có lợi cho phe phái của mình. Phe đối lập đã tố cáo Tổ chức Anh em Hồi giáo thân tổng thống đã đánh cắp "thành quả" của "cuộc cách mạng mùa xuân Arập".


Ai Cập rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng mới với những diễn biến tương tự những gì xảy ra cách đây hai năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người trên khắp đất nước. Quảng trường trung tâm Tahrir ở thủ đô Cairô, nơi từng là trái tim của "Mùa xuân Arập", giờ đây lại trở thành tâm điểm mới của làn sóng biểu tình phản đối chính phủ.


Trong khi tổng thống và phe đối lập vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, căng thẳng chính trị đã gây ra những hậu quả nặng nề cho đất nước. An ninh bất ổn trong bối cảnh nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa những người biểu tình với nhà chức trách và giữa các phe phái. Nhiều trường học, cửa hàng phải đóng cửa, một số tuyến giao thông bị phong tỏa hoặc tê liệt do biểu tình. Khủng hoảng chính trị đã khiến thị trường chứng khoán Ai Cập mất gần 4,8 tỷ USD trong ngày 25/11, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại sau làn sóng chính biến tháng 2/2011.


Cách đây hai năm, phe Hồi giáo cùng với các lực lượng thế tục đã sát cánh để lật đổ chính phủ Mubarak - cuộc chính biến mà cả hai bên đều khẳng định nhằm mục tiêu thành lập một nhà nước dân chủ để đưa Ai Cập phát triển. Thế nhưng kể từ thời điểm đó, chính trường Ai Cập liên tục dậy sóng do mâu thuẫn giữa các phe phái. Đối với người dân Ai Cập, sau hơn hai năm chờ đợi, họ vẫn chưa được hưởng "thành quả cách mạng" về một nhà nước dân chủ, an ninh ổn định, kinh tế phát triển.


Chừng nào các lực lượng chính trị vẫn còn mải mê với các cuộc tranh giành quyền lực, chừng đó các nỗ lực tái thiết đất nước sẽ còn bị tê liệt và đây chắc chắn không phải là "thành quả" mà người dân Ai Cập mong đợi.



C.T

Chính trường Ai Cập ngày càng sôi sục
Chính trường Ai Cập ngày càng sôi sục

Áp lực đối với Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi từ ngành tình báo, tư pháp và các cuộc biểu tình bạo lực đang ngày càng gia tăng liên quan đến tuyên bố hiến pháp mới được ông ban hành hôm 22/11 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN