Thận trọng với quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân

Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi dự kiến bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng; thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như: hủy hoại môi trường, đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán... nhưng không bị xử lý hình sự do chưa thiết lập chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Điển hình như vụ việc Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương, vụ Nicotex ở Thanh Hóa... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không xử lý được triệt để do thiếu công cụ pháp lý. Trong khi đó, việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe, bởi các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nhiều lần để duy trì hoạt động.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân là phù hợp và công bằng. Theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần). Vì vậy, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì trong trường hợp này sẽ khó xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm để xử lý hình sự. Hơn nữa, sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội, trong thực tế, nhiều vụ việc pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm rất tinh vi. Nếu không quy định trách nhiệm pháp nhân thì cơ quan điều tra sẽ không thể tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ… khiến việc xử lý trách nhiệm chỉ ở phần “ngọn”. Thậm chí, vì pháp luật chỉ truy tố cá nhân nên nhiều pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài “lách luật” bằng cách khi có vi phạm thì công ty “mẹ” điều ngay tổng giám đốc của công ty “con” tại Việt Nam về nước và thay bằng tổng giám đốc khác khiến pháp luật “bó tay”. “Quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân vừa không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vừa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi dự thảo đưa ra quy định chỉ xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế. Vậy doanh nghiệp tư nhân không phải pháp nhân có bị xử lý trách nhiệm không? “Nếu làm không cẩn thận, người ta sẽ lập doanh nghiệp tư nhân thay vì lập công ty trách nhiệm hữu hạn để “lách” không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cảnh báo.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng, để tránh tình trạng “lách luật” hoặc “bỏ sót” thì nên xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nói chung vì các pháp nhân đều có quyền đưa tiền đầu tư vào các quan hệ dân sự, kinh tế.

Thu Phương

Mở tổng đài hỗ trợ bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài
Mở tổng đài hỗ trợ bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã khai trương Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN