Tham nhũng: Cá nhân chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng ‘vô can’

Theo các đại biểu, một trong những điểm chung của các vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ án lớn vừa qua là “ai gây ra người đó chịu”, còn cơ quản lý Nhà nước hay cơ quan chức năng thì vô can.

Tiếp tục nội dung sáng nay, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tuy nhiên, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án lớn, được dư luận quan tâm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều.


Số vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng do cơ quan điều tra cấp trung ương tiến hành điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 31/36 vụ, chiếm 86,1%.


“Cá biệt có địa phương năm 2017 chỉ có 3 vụ án tham nhũng thì trả hồ sơ điều tra bổ sung cả 3 vụ, thậm chí phải hoãn phiên tòa”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.


Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, các vụ án về trật tự trị an, nhất là “đại án” giết người hàng loạt thủ phạm bị bắt ngay, hay mới đây vụ hai tử tù trốn thoát cũng bị bắt sau 6 ngày, khiến nhân dân rất khâm phục.


Tuy nhiên, tiến độ xử lý án tham nhũng vẫn chậm, quá kéo dài. Nhiều vụ phải trả lại hồ sơ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến sâu để bàn giải pháp cho tình trạng này.


“Công lý chậm trễ là công lý không bình thường, gây xấu cho nền tư pháp”, đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.


Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị đối với các vụ việc lớn, có liên quan đến thanh tra và kiểm toán thì kết luận thanh tra phải được công bố rộng rãi, đúng thời gian quy định.


“Nhiều khi thanh tra xong cứ để đấy, như ông Giám đốc sở ở Yên Bái tại sao mãi mới công bố? Dư luận sẽ đặt câu hỏi có vấn đề gì ở đây?... (sự chậm trễ) làm cho hiệu quả phòng, chống tham nhũng kém”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, một trong những điểm chung của các vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ án lớn vừa qua là “ai gây ra người đó chịu”. Còn cơ quản lý Nhà nước hay cơ quan chức năng thì vô can.


“Sai phạm xảy ra trong thời gian dài nhiều năm, nào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được gì, nay phát hiện ra thì lại có gì và có rất to. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước đây như thế nào?”.


Đại biểu Cương cho rằng đây chính là kẽ hở mà nếu không làm triệt để thì không bao giờ nâng cao được trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chức năng. 


Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tình trạng “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng. “Nó có biểu hiện rõ ràng là sự tiêu cực mà tiêu cực đó chưa được xem xét một cách nghiêm túc”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định.


Xuân Phong/Báo Tin Tức
Tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu
Tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN