Tây Nguyên - Vững mạnh khối đại đoàn kết toàn dân

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17/7/2002 – 17/7/2012), Báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Nên (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

 

Xin đồng chí cho biết việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và giữ vững sự ổn định về chính trị, xã hội ở Tây Nguyên như thế nào?


Tây Nguyên là máu thịt của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là vùng đất giàu đẹp, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Từ nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mang trong mình những truyền thống hết sức quý báu, đó là truyền thống cần cù, lao động sáng tạo và đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Như một sự sắp đặt của lịch sử, Tây Nguyên ngày nay đã và đang trở thành quê hương chung của 54 dân tộc anh em, cùng chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng phát triển, làm cho các dân tộc có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và coi đó là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hơn 66 năm trước đây, trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Plâycu, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:


“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Ja rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.


Bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng vô vàn tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc, là ngọn đuốc soi đường làm nên sức mạnh lòng dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, anh dũng cầm súng chiến đấu chống giặc, đem hết sức mình xây dựng căn cứ cách mạng, nuôi dưỡng và đùm bọc cán bộ, bộ đội, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.


 

Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 

Sau ngày hòa bình, thống nhất (1975), tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cả về sức người, sức của để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên hiện nay đã đi dần vào ổn định, kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Cuộc sống của đồng bào chuyển biến từng ngày, không còn thiếu đói triền miên, du canh du cư, ốm đau bệnh tật không có thuốc chữa. Hàng nghìn buôn làng đã “thay da đổi thịt”, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, bộ mặt nông thôn ngày càng khác trước.


Tuy nhiên, khác với nhiều nơi, Tây Nguyên luôn là địa bàn bị thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch chống phá. Trong bối cảnh đó, việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh lòng dân là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn, đập tan âm mưu, hoạt động chống phá của FULRO và các thế lực thù địch, bảo đảm cho Tây Nguyên ổn định và phát triển.


Điều đáng mừng nhất ở Tây Nguyên là không có mâu thuẫn, xung đột dân tộc; cả 54 dân tộc anh em với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau, nhưng sống đan xen, chan hòa, thương yêu, tôn trọng nhau, không để những va chạm nhỏ dẫn đến mâu thuẫn và xung đột sắc tộc.


Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được, nhất là trong 10 năm trở lại đây?


Đồng thời với ổn định chính trị xã hội là những chuyển biến mạnh và khá toàn diện về kinh tế. Ngày nay, Tây Nguyên đã định hình một diện mạo kinh tế hoàn toàn khác trước. Từ một cơ cấu lạc hậu và thiếu cân đối, kinh tế Tây Nguyên đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm; chênh lệch thu nhập quốc dân bình quân đầu người so với cả nước đang được thu hẹp nhanh. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa với sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy... Công nghiệp Tây Nguyên phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ công nghệ với sự xuất hiện một số ngành công nghiệp mới như thuỷ điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản. Dịch vụ, nhất là thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng phát triển khá nhanh và thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.


Hạ tầng kinh tế - xã hội Tây Nguyên được tập trung đầu tư đã có bước phát triển đáng kể; hình thành được mạng lưới đường giao thông rộng khắp, liên kết 5 tỉnh trong vùng và nối Tây Nguyên với tuyến hành lang Đông - Tây. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, năng lực tưới sau 10 năm đã được nâng lên ba lần, đáp ứng trên 60% nhu cầu toàn vùng. Đường giao thông đã mở đến hầu hết các địa bàn dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tiềm năng thủy điện được phát huy; tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện Tây Nguyên đã đạt 4.000 MW, bằng 16% công suất nguồn điện của cả nước; có 95% hộ dân đã được dùng điện. Số hộ dân được dùng nước sạch không ngừng tăng lên.


Phát triển văn hóa xã hội được đặc biệt quan tâm. Hệ thống giáo dục ở Tây Nguyên được mở rộng với phương châm có dân sinh là có trường lớp. Chính sách cử tuyển và ưu đãi học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được thực hiện có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có chuyển biến rõ nét; hoạt động khám chữa bệnh được tăng cường cùng với việc thủ tục hành chính được cải tiến đã tạo thuận lợi cho đồng bào tiếp cận các dịch vụ y tế; đã cơ bản khống chế được nhiều dịch bệnh trước đây thường xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên (như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch...). Đời sống văn hóa ở các buôn làng từng bước được cải thiện, vừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, vừa mở rộng giao lưu, hội nhập với các vùng miền trong cả nước. An ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo; đường biên giới với các nước bạn Lào và Campuchia ngày cảng ổn định, hòa bình, hữu nghị.


Cùng với các chính sách chung, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù đối với vùng Tây Nguyên; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, nước sạch và xóa đói giảm nghèo. Đến nay, trên 85% số buôn làng đã định canh, định cư ổn định. Nhiều nơi đã hình thành mạng lưới khuyến nông, định hình mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán, giúp đồng bào từng bước thoát nghèo bền vững. Hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá; nhiều hộ gia đình đã giàu có. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã có bước phát triển mới. Tây Nguyên thực sự đã “thay da đổi thịt”.


Xin đồng chí cho biết những định hướng để Tây Nguyên phát triển bền vững?


Một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở Tây Nguyên là không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết dân tộc, làm cho khối đoàn kết này trở thành sức mạnh không thể lay chuyển, tạo cơ sở nền tảng để ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên. Tiếp tục tuyên truyền về lịch sử vùng đất, con người Tây Nguyên; vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của thực dân, đế quốc, các thế lực thù địch và bọn phản động chia rẽ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, chia rẽ đồng bào Kinh và đồng bào Thượng. Giáo dục cán bộ, đảng viên, các ngành các cấp và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền lợi, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tương trợ, kết nghĩa để trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi.
Thực tế cũng đã cho thấy sự ổn định, no ấm của đồng bào DTTS là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của vùng Tây Nguyên và là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là đoàn kết Kinh - Thượng. Vì vậy, phải có quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc; coi trọng tính đặc thù, tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào khi giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể, nhất là giải quyết đất đai, giao đất giao rừng cho cộng đồng buôn làng. Chăm lo đầu tư phát triển sản xuất, củng cố mối quan hệ cộng đồng, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào DTTS. Không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng về sản xuất hàng hóa cho bà con; nghiên cứu, lựa chọn, xây dựng những mô hình làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của từng nơi để giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất.


Tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể xã, buôn làng vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế cho thấy hệ thống chính trị nơi nào gần dân, sát dân, được quần chúng tin tưởng thì nơi đó tình hình ổn định, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, bọn phản động và các thế lực thù địch không thể lợi dụng lôi kéo, kích động, chia rẽ được. Vì vậy, phải vừa tập trung xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, vừa chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ DTTS, quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người DTTS cho cả trước mắt và lâu dài. Nghiên cứu, xây dựng buôn làng tự quản; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Tất cả những vấn đề đó vừa là bài học, vừa là nhiệm vụ then chốt, lâu dài để củng cố khối đoàn kết dân tộc, củng cố sức mạnh lòng dân, làm nền tảng để ổn định và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên cả hiện tại và tương lai.


Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Quang Huy (thực hiện)

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012

Sáng 16/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN