“Tập trung xử lí các điểm nóng về môi trường”

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến (ảnh) khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.

Thưa Thứ trưởng, bên cạnh những điều đã làm được thì những vấn đề nổi cộm nào mà Bộ TN - MT sẽ tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới, thưa ông?


Chúng ta không bao giờ được phép thỏa mãn với những gì đã đạt được mà phải luôn xác định mục tiêu mới cần hướng tới nhằm đưa đất nước ta phát triển nhanh, mạnh và đặc biệt phải thật bền vững để không chỉ đem lại sự thịnh vượng cho bản thân thế hệ chúng ta ngày hôm nay mà còn cả cho con cháu đời sau.


Bộ TN – MT xác định phải tập trung cao vào việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của đất nước. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ thực hiện việc kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường từ TƯ đến địa phương, cùng với nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Chúng ta có một hành lang pháp lý hoàn thiện, một nguồn lực đủ mạnh, một quyết tâm cao song nếu không có một đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu thì cũng khó đạt được những mục tiêu đã đề ra.

 

Bộ sẽ chỉ đạo như thế nào để thực hiện Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường đến năm 2020, thưa ông?


Trong thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường sẽ có những bước phát triển mạnh về chất, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đạt những mục tiêu về môi trường đến năm 2020 mà Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đã đề ra. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường sẽ được tập trung giải quyết theo đúng lộ trình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, năm sau phải thấp hơn năm trước, tiến tới ngăn chặn sự gia tăng này vào năm 2020, đồng thời, không để phát sinh các điểm ô nhiễm môi trường mới. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.


Nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường phải được sử dụng một cách trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả. Chúng ta đang rất hạn chế về nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường nên việc sử dụng nguồn lực phải hết sức hiệu quả. Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường phải được phát huy một cách triệt để để tạo ra những thay đổi về chất trong công tác bảo vệ môi trường.

 

Thưa ông, ông nghĩ gì về chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm nay: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”?


Chủ đề này tưởng chừng là đơn giản nhưng để tiết kiệm thực phẩm lại không hề dễ vì nó liên quan đến nhiều quá trình, từ sản xuất đến tiêu thụ. Ở khu vực đang phát triển, mất mát và lãng phí thực phẩm chủ yếu xảy ra sau khâu thu hoạch và sơ chế, do các vấn đề quản lí và công nghệ, khâu dự trữ và bảo quản sản phẩm (chiếm đến 40% tổng lượng lương thực lãng phí). Song ở khu vực phát triển hơn thì sự lãng phí do hành động của người tiêu dùng. Vì vậy, để hạn chế lãng phí thực phẩm, cần tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như phát triển công nghệ đóng gói thực phẩm; đồng thời, nâng cao nhận thức của các nhà bán lẻ và đặc biệt là người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!


Hoàng Dương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN