Thông báo nêu rõ, những ngày qua, mưa lũ lớn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã tập trung chỉ đạo; các lực lượng vũ trang, thông tin, báo chí, các tổ chức, đoàn thể đã tích cực vào cuộc, cùng với sự chủ động ứng phó của người dân đã góp phần hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đến kiểm tra công trình hồ Kẻ Gỗ, thăm hỏi, động viên những người dân vùng ngập lũ, người bị thương do mưa lũ và làm việc với lãnh đạo các địa phương nêu trên.
Ngày 21/10, tại Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ miền Trung.
Không để người dân vùng lũ bị đói, rét
Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho người dân; trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tiếp cận, cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ.
Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, cùng với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tập trung triển khai cứu trợ khẩn cấp, bảo đảm đời sống cho người dân. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận, cung cấp trực tiếp lương thực, thực phẩm, nước uống, chất đốt, thuốc y tế và các nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng ngập lũ với phương châm không để người dân bị đói, rét, ốm đau không được chữa bệnh. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm xác định cụ thể đối tượng cần cứu trợ, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ để điều phối, phân phối hàng cứu trợ, đảm bảo công tác cứu trợ kịp thời đến tất cả các đối tượng cần cứu trợ, trong đó lưu ý không để sót những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hộ dân cư đơn lẻ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hỗ trợ ngay xúc xích, thịt nguội và các thực phẩm khác cho người dân các tỉnh đang còn bị ngập lũ theo đề nghị của các địa phương; giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) để kịp thời vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân ở các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt, nhất là các khu vực còn chưa tiếp cận được.
Các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cần chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tổ chức tốt công tác cứu trợ cho người dân tránh tập trung hỗ trợ ở một vài nơi, trong khi người dân ở những vùng sâu, vùng xa không được quan tâm hỗ trợ đầy đủ.
Các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán, di dời người và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là những khu vực bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét; tổ chức giám sát chặt chẽ, vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả ngay sau khi lũ rút; tổ chức, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà cửa, trường lớp, xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh; sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt và khôi phục sản xuất cho người dân.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ động ứng phó với bão số 8
Bão số 8 đang tiếp tục di chuyển hướng về phía vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão còn tiếp tục mạnh thêm (sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14), có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm bốn tại chỗ; tập trung bảo đảm an toàn cho người và các hoạt động trên biển.
Các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) tiếp tục tập trung rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người, tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển (trong đó cần lưu ý hướng dẫn cả các tàu vận tải, tàu hoạt động vãng lai); chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động dầu khí, du lịch, sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản trên biển...
Các địa phương khẩn trương rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và các hoạt động sản xuất, kinh doanh ven biển, trên biển.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn trên đất liền, các địa phương tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, trong các công trình, nhà ở không bảo đảm an toàn để chủ động tổ chức sơ tán, di dời người và tài sản khi có tình huống nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lực lượng khác; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông khi bão, lũ.
Các địa phương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các hồ đập nhỏ, xung yếu, công trình đang thi công hoặc đã đầy nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo triển khai phương án bảo vệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại do bão, lũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan và người dân biết để chủ động chỉ đạo, ứng phó.
Tăng cường chia sẻ thông tin chính xác liên quan đến an toàn hồ đập
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu khoa học tăng cường chia sẻ thông tin bảo đảm chính xác, khách quan với các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến vấn đề an toàn hồ đập, vận hành điều tiết nước, xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình bão, lũ và công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Phó Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi diễn biến bão số 8, chủ động chỉ đạo các ngành, các địa phương có liên quan triển khai ứng phó; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời làm tốt công tác khen thưởng, động viên những gương tốt trong công tác phòng chống thiên tai.