Tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân

Ngày 13/3, Đoàn công tác Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại tỉnh Bình Phước.


Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên trong Đoàn công tác của Trung ương và ý kiến giải trình thêm của tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bình Phước trong công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và kết quả tổng hợp ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tỉnh đã có nhiều hoạt động da dạng, phong phú với các hình thức tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải được tổ chức sâu rộng trong nhân dân, xem đây là kênh rất quan trọng cần phải được phát huy tối đa. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng tỉnh Bình Phước đã nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.


Phó Thủ tướng yêu cầu, Ban chỉ đạo tỉnh Bình Phước cần tiếp thu các ý kiến trao đổi của các thành viên trong Đoàn công tác của Trung ương về các tồn tại để tiếp tục có cách làm hiệu quả việc lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian tới. Trước mắt, tỉnh Bình Phước tập trung hoàn thành bản báo cáo tổng hợp đúng thời hạn là ngày 15/3/2013 và phải đầy đủ nội dung theo các hướng dẫn, trung thực ý kiến của nhân dân kể cả những ý kiến khác, liên quan đến những vấn đề hệ trọng. Tỉnh phải tập hợp đầy đủ, khách quan, trung thực mọi ý kiến đóng góp của nhân dân, tranh thủ thêm ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà quản lý.

 

Nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết


Ngày 13/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì hội nghị.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm dự hội nghị.


Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 đã diễn ra đúng kế hoạch, tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã bước đầu tổng hợp sơ bộ ý kiến góp ý của nhân dân. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức một số đoàn đi kiểm tra về tình hình lấy ý kiến nhân dân tại một số địa phương. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy nhân dân phấn khởi, tin tưởng, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố; trong đó có rất nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm thể hiện sinh động quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.


Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng Lời nói đầu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn dài, văn phong có chỗ còn chưa phù hợp. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để trình bày ngắn gọn, cô đọng, súc tích, dễ hiểu hơn trong phần thể hiện Lời nói đầu; bảo đảm văn phong pháp lý, đồng thời phải có tính khái quát cao, nêu bật được truyền thống yêu nước của dân tộc.


Thảo luận về Điều 9 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số ý kiến khác tán thành với nhiều nội dung quy định trong dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tại khoản 3 của Điều 9 cần khẳng định “Nhà nước đảm bảo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động” chứ không nên quy định như dự thảo là “Nhà nước tạo điều kiện”. Đồng thời đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần có quy định thể hiện vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo.

 

Bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nam và nữ


Ngày 13/3 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Đa số ý kiến khẳng định, dự thảo đã cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, các vấn đề lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tán thành và đánh giá cao nhiều quy định trong dự thảo liên quan đến vấn đề phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, nhiều ý kiến cho rằng về cơ bản các quy định này đã được kế thừa, bổ sung theo nguyên tắc bình đẳng và được quan tâm hơn.


Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, qua tổng hợp ý kiến đóng góp, thảo luận của các cấp hội và phụ nữ cơ sở, nổi lên một số vấn đề được các tầng lớp phụ nữ quan tâm, đặc biệt là vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới thể hiện trong Điều 27 của dự thảo. Nhiều ý kiến đề nghị giữ lại trong Điều này một số quy định tại Điều 63 Hiến pháp năm 1992, nhằm vừa bảo đảm bình đẳng giới vừa tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện vai trò làm mẹ, tái tạo nòi giống, nguồn nhân lực của đất nước. Đồng thời, sửa đổi theo hướng: Không chỉ lao động nữ có quyền hưởng các chế độ thai sản như Hiến pháp hiện hành, mà đó là quyền của phụ nữ bởi ngoài lao động nữ còn có nữ nông dân, chị em nội trợ, buôn bán nhỏ... Đặc biệt, đề nghị có quy định phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số có quyền được hưởng chế độ thai sản hoặc được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều hình thức; có chính sách tổ chức việc đóng bảo hiểm thai sản tự nguyện... Mặt khác, Dự thảo quy định nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau nhưng trên thực tế, để thực hiện, cần có cơ hội và cơ hội đến với nam - nữ không như nhau do những khác biệt về thiên chức. Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện, cơ hội như thế nào cho phù hợp với đặc thù giới tính của phụ nữ.

 

Cũng trong chiều 13/3, Ban Chấp hành mở rộng Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã cho ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Làm rõ hơn chủ quyền nhân dân


Ngày 13/3, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Góp ý hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.


Đánh giá về những điểm mới trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Bản Dự thảo Hiến pháp 1992 đã làm rõ hơn về chủ quyền nhân dân khi ghi nhận các quyền con người, quyền công dân. Việc chuyển vị trí chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương V lên chương II là một việc làm hết sức hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ. Điều này cũng thể hiện một tư duy mới về quyền con người, quyền công dân và giá trị, vị trí của vấn đề này trong trật tự nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, điều này còn thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người. Việc sửa đổi tên chương thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” cũng thể hiện được sự phân biệt rõ ràng giữa quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân.


Đề cập tới quyền hội họp, lập hội, biểu tình trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ đã tham khảo các văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản về quyền con người và Hiến pháp của một số quốc gia trên thế giới và cho biết: Hiến pháp của hầu hết các nước trên thế giới đều được ghi nhận một cách rõ ràng quyền hội họp, quyền lập hội và biểu tình của công dân. Các bản Hiến pháp của nước ta cũng thể hiện rõ ràng về các quyền này của công dân.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN