Tạo điều kiện cho thủ đô phát triển đúng tầm

Nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Thủ đô (LTĐ) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai.


Nhiều đại biểu cho rằng: Cơ quan soạn thảo dự án LTĐ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp. So với dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XII, các quy định trong dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn, bảo đảm chất lượng và điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.


Tổng quan về dự thảo luật


Sau hơn 25 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, công cuộc xây dựng, phát triển thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.


Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lịch sử nghìn năm văn hiến của thủ đô. Còn nhiều vấn đề bất cập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn ách tắc giao thông, sự xuống cấp của cảnh quan độ thị; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN


Về mặt pháp lý, tính khả thi của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội chưa cao. Nhiều quy định của Pháp lệnh sau này không thực hiện được do còn chưa được quy định cụ thể hoặc do có các quy định không còn phù hợp với các quy định trong các đạo luật mới được Quốc hội thông qua sau đó có thứ bậc hiệu lực pháp lý cao hơn. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thủ đô, Quốc hội đã quyết định nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành luật và đưa dự án LTĐ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII.


Dự thảo LTĐ do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra. Dự án LTĐ đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 3/2011). Tuy nhiên, do một số quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thủ đô còn có ý kiến khác nhau nên dự án luật không được Quốc hội khóa XII thông qua. Quốc hội đã giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án LTĐ để trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, dự án luật đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại các phiên họp lần thứ 10, 12. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa, tiếp thu, dự thảo LTĐ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội gồm 4 chương, 28 điều quy định vị trí, vai trò của thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô. So với dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XII, dự thảo luật lần này vẫn gồm 4 chương, lược bỏ 4 điều (Điều 8, 9, 13 và 30 của dự thảo cũ), cơ bản giữ nguyên 2 điều (Điều 26 và 27 của dự thảo cũ). Chỉnh lý cơ bản như tất cả các điều còn lại, trong đó tách Điều 23 cũ (chính sách, cơ chế về tài chính và quản lý đất đai) thành hai điều là Điều 15 về quản lý đất đai và Điều 21 về chính sách, cơ chế về tài chính.


Làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù


Góp ý về dự thảo LTĐ, cử tri Trần Văn Tính, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Dự thảo LTĐ đã có nhiều chỉnh sửa so với dự thảo trình Quốc hội khóa XII nhưng vẫn chưa nêu bật được nét đặc thù của thủ đô. Cử tri thành phố cũng cho rằng LTĐ phải được xây dựng xuất phát từ đặc điểm, vị trí của thủ đô, có tính đặc thù của TP Hà Nội trong vai trò thủ đô, chứ không phải của một đô thị lớn. Các qui định về phát triển đô thị tại dự thảo thực tế đã được đề cập đến trong các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Qui hoạch đô thị… trong khi LTĐ cần có các chính sách khác biệt, mang tính đặc thù. 


Còn bà Hoàng Thị Sinh, quận Đống Đa cũng có ý kiến đề xuất LTĐ cần qui định một số cơ chế đặc thù nhằm giúp Hà Nội có cơ chế thực hiện tốt các chức năng được giao về điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ như: Cấp điện và gas, viễn thông, giao thông, cấp thoát nước… cũng như các điều kiện về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học… Các cơ chế đặc thù quy định riêng cho Hà Nội cần được lựa chọn, quy định chặt chẽ để vừa tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định những cơ chế kèm theo nhưng không được tùy tiện trong thực hiện, tạo sự bình đẳng và phát triển đa dạng của các khu đô thị, thành phố và nông thôn cả nước.


Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng: “Một điều rất đáng mừng là dự thảo luật lần này đã xác định một cách rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù của thủ đô và các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho thủ đô. Chính sách đặc thù không phải ở chỗ đây là thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị đặc biệt hay là một trung tâm văn hóa, khoa học, kinh tế lớn của cả nước mà chính là ở chỗ đây là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của cả nước, là bộ mặt của cả nước. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước của các bộ, ngành, của các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây cũng là nơi có các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đại diện của nước ngoài và các tổ chức quốc tế”. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cơ bản thống nhất với tinh thần điều luật nêu lên được một số nội dung đặc thù, dành một số cơ chế riêng có cho thủ đô. Tại Khoản 1, Điều 21 về chính sách cơ chế tài chính có ghi: "Ngân sách nhà nước ưu tiên phân bổ để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển thủ đô văn minh, hiện đại".


Tuy nhiên, xem kỹ đó là những cơ chế ưu đãi cao hơn các địa phương trong cả nước nhưng không biết cao giới hạn là bao nhiêu. Dự toán chi ngân sách cho thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán cũng không biết vượt bao nhiêu ở cả hai phương án. Nếu quy hoạch chung, xây dựng thủ đô ở Điều 8 có rồi, nên căn cứ vào đó để quyết định mức phân bổ cho từng giai đoạn phát triển.


Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đào Trọng Thi phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN


Thảo luận tại Hội trường sáng 5/11, nhiều ý kiến cũng đồng tình: Việc xác định vị trí, vai trò của thủ đô là cơ sở để quy định một số cơ chế, chính sách phục vụ cho việc xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô. Bởi lẽ, nếu coi Hà Nội chỉ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh giống như 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại trong cả nước thì không cần thiết quy định các cơ chế, chính sách riêng cho Hà Nội. Cần xác định thủ đô của cả nước là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của một quốc gia. Khi đó, Hà Nội thực hiện vai trò, chức năng thủ đô của cả nước, với nhiều trọng trách nặng nề hơn các địa phương khác.


Cần cân nhắc vấn đề thu phí


Với nội dung một số điều đề cập đến việc thu phí đối với người dân nội thành cao hơn khu vực ngoại thành, kể cả việc xử phạt vi phạm hành chính, về đất đai, môi trường, giao thông, có thể là biện pháp chế tài cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nhiều đại biểu cho rằng đó không phải là giải pháp tối ưu. “Đề nghị không nên có sự chênh lệch này, bởi thu nhập tiền lương của đại đa số người dân và công chức không tăng thậm chí ngày càng khó khăn thì làm sao đủ sức để trang trải các khoản chi phí này. Theo ý kiến của nhiều cử tri, điều này không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải xây dựng một xã hội công bằng” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.


Tại Điều 19 quản lý dân cư, đây là điều khoản khá quan trọng trong luật, tuy nhiên trong Khoản 4 về đăng ký thường trú ở nội thành đưa ra hai phương án lựa chọn để thắt chặt điều kiện nhập cư, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân thì không đủ sức thuyết phục, không thể giải quyết giảm mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bằng cách này. “Luật này không thể phủ định và quy định khác đi so với Luật Cư trú. Trước khi chọn phương án, chúng ta chỉ cần trả lời một cách thấu đáo câu hỏi: "Vì sao môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân lại thích kéo về thủ đô?". Phải chăng quy hoạch thủ đô Hà Nội có vấn đề? Quốc hội có thể đã nghe về vấn đề này từ nhiều năm, trong khi tình trạng kẹt xe, nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, mật độ xe cá nhân của Hà Nội đã ở mức báo động, các trung tâm ngoại ngữ giáo dục từ mẫu giáo đến đại học chất lượng cao, các khu chung cư, khu dân cư cao cấp, tòa cao ốc văn phòng, trụ sở công ty liên tục mọc lên. Tất cả quy tụ về thủ đô, việc người dân tìm đến thủ đô Hà Nội là chuyện hết sức bình thường, vì Hà Nội còn cần đến họ và bởi tính hấp hẫn của thủ đô”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ.


Về phát triển quản lý giao thông, vận tải được thể hiện tại Điều 18, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chưa đồng tình với quy định này. Vì nếu cho rằng quy định mức thu phí cao hơn nhằm mục đích hạn chế phương tiện tham gia giao thông thì không hợp lý. “Việc thu phí cao hơn không phải là giải pháp tốt để chống ùn tắc nhưng lại quy định Hội đồng nhân dân thành phố có trách nhiệm thu phí cao đến hai lần. Tôi đề nghị sửa không ghi là trách nhiệm thu phí mà là được phép thu phí và không quy định cao đến hai lần và tối đa là không quá hai lần”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị.


Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu ý kiến về Luật Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN


Quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô. Chức năng của nội đô trước hết và chủ yếu là chính trị, hành chính quốc gia, là di tích lịch sử văn hóa, tiếp theo đó là các trung tâm thương mại cao cấp, cao ốc, văn phòng cao cấp. Thứ nữa là du lịch và thương mại, ẩm thực phục vụ du lịch và chức năng nhà ở là thứ yếu và hạn chế. Để bảo đảm chức năng hành chính quốc gia nếu ở nội đô thì phải chịu nhiều chế tài hơn ở ngoài, khó khăn hơn trong xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hạn chế gây ô nhiễm, hạn chế xe ô tô, xe máy, siết chặt quản lý lòng, lề đường, hạn chế buôn bán rong quà vặt. Ở các khu vệ tinh ngoại thành thì được ưu đãi tiện lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, buôn bán, từ đó sẽ bớt lực hấp dẫn vào nội đô.


Cân nhắc việc nhập cư


Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư - một nội dung quan trọng của dự thảo luật, đa số đều tán thành với quy mô phát triển như hiện nay, cơ sở hạ tầng của Hà Nội không thể đáp ứng nên phải có những biện pháp đồng bộ để quản lý dân cư, đảm bảo cho sự phát triển bền vững và bảo đảm chất lượng sống, điều kiện làm việc tốt hơn cho người dân nội đô.


Nhiều ý kiến tán thành việc thắt chặt quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội bởi nếu không đảm bảo biện pháp hạn chế nhập cư, không thể giải quyết việc xây dựng, phát triển thủ đô trước tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.


Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng: Về quản lý dân cư, bản chất, mục tiêu của điều này thực tế nhằm hạn chế việc nhập cư chứ không phải là quản lý dân cư. Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội sống, điều kiện hưởng thụ, các phúc lợi công cộng của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của thủ đô Hà Nội. Do đó, nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính như quy định tại Điều 19 nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ: Có lẽ LTĐ là một trong những luật mà được nâng lên, đặt xuống nhiều nhất và cũng vật vã nhất, cũng chịu sự phân tâm nhất. Sự phân tâm không những ở sự khác biệt nhau giữa các vị đại biểu mà ở ngay trong chính mỗi một con người. Trong lòng ai cũng mong muốn có một cơ chế pháp luật để cho thủ đô Hà Nội chúng ta phát triển tương xứng với vị thế của nó đối với quốc gia. Nhưng chính vì thế ai cũng mong muốn luật phải thật hoàn chỉnh, thật hoàn thiện.



Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN