Tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển ổn định

Trong ngày 27/5, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015. Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/CP của Chính phủ và thống nhất các biện pháp thúc đẩy thực hiện Kế hoạch những tháng còn lại của năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Ngoài bàn thảo tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Hà Nội; báo cáo về dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi)…

* Tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đã đạt dược nhiều kết quả tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng, tăng trưởng lấy đà phục hồi; an ninh, trật tự, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD; nhập siêu gần 3 tỷ USD. Cùng thời gian này, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (15,5% và 26,3% ). Tổng số doanh nghiệp trước gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động tăng 5,9%.

Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua, tổng cầu. Các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích kỹ kết quả đạt được, dự báo, đánh giá tình hình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Những nội dung nổi bật nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại phiên họp là những khó khăn, tồn tại, thách thức của nền kinh tế như: tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn; thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ; diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình hình khô hạn kéo dài tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Các thành viên Chính phủ cũng đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, gỡ vướng đầu ra cho nông sản; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế; tạo các điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư cũng như tiến độ của các công trình hạ tầng trọng điểm…

* Gỡ vướng cho nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tình hình hạn hán kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên và tình trạng chậm tiêu thụ đối với một số mặt hàng nông sản đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Trong tình hình đó, bộ sẽ đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là tăng cường hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những vùng khô hạn cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng; thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản…

Cũng liên quan đến gỡ vướng xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, cùng với việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, rau quả các loại, đồng thời sẽ kiểm soát tốt việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam.

* Thúc đẩy du lịch


Về dấu hiệu cho thấy lượng khách du lịch vào Việt Nam ít hơn một số nước trong khu vực thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ nghiên cứu mở rộng, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ.

Đồng tình với các giải pháp do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề xuất nhằm tiếp thúc đẩy phát triển du lịch, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, phải thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi nhuận cao; phải xem xét, tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều du khách vào Việt Nam; đồng thời đàm phán, mở những đường bay thẳng từ Việt Nam tới những quốc gia có lượng khách du lịch cao.

*Tăng cường dự báo, chủ động ứng phó

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội chung của tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam. Những kết quả đạt được là đáng mừng, là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động ứng phó với các tình huống theo dự báo; không chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được; đề cao tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nhiệm vụ đã được đề ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh việc phải tiếp tục củng cố, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm; không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Thủ tướng chỉ rõ, kiểm soát tốt, giữ được ổn định về tỷ giá là yếu tố có vai trò then chốt để ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường; điều hòa lãi suất cho phù hợp trong điều kiện lạm phát thấp để đạt được mục tiêu kép là vừa giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát việc thị trường bất động sản đã ấm dần lên, kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư để tránh tình trạng “bong bóng”, đổ vỡ, phát triển không lành mạnh thị trường bất động sản như đã từng xảy ra trước đây.

Nhấn mạnh đến trọng tâm cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; thực hiện giao dịch điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng thêm tính công khai, minh bạch; những thủ tục nào gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phải kiên quyết loại bỏ, sửa đổi vì lợi ích chung của đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các thành viên Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển ổn định, gắn liền với tái cơ cấu; giúp người nông dân giải quyết vướng mắc trước mắt là hạn hán, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh đàm phán đi đến ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thực hiện cho các mục tiêu phát triển kinh tế.

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên quan đến hoạt động báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án quy hoạch báo chí, các Bộ, ngành cần chủ động thực hiện, căn cứ vào đề án, đề xuất việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chuẩn bị tốt báo cáo, tài liệu phục vụ báo cáo giải trình và trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII; các Bộ trưởng tích cực tham gia các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chủ động phát biểu, cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Quang Vũ ((TTXVN))
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014: Tăng tổng cầu của nền kinh tế
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014: Tăng tổng cầu của nền kinh tế

Trong hai ngày 27 và 28/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN