Tạo cơ chế để người dân tham gia phòng, chống tham nhũng

“Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” là chủ đề của cuộc tọa đàm do Thanh tra Chính phủ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12).

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, tham nhũng cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng sự đói nghèo, làm suy yếu các hệ thống y tế, giáo dục, phá hoại nền dân chủ, làm trầm trọng thêm sự bất công và bất bình đẳng. Đấu tranh chống tham nhũng là mối quan tâm toàn cầu bởi tham nhũng xảy ra ở cả những quốc gia giàu có lẫn nghèo khổ, nhưng người nghèo là nhóm người phải chịu sự tổn thương lớn nhất.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết thêm, tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển; được đánh giá là 1 trong 5 vấn nạn kinh tế xã hội. Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh PAPI 2014 cũng chỉ ra rằng cứ 4 người Việt Nam thì 1 người cho rằng tham nhũng là vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất. “Điều này cho thấy công dân có vai trò quan trọng như thế nào trong chống tham nhũng”, ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh.

Đồng tình về tầm quan trọng của người dân trong phòng, chống tham nhũng, bà Đào Nga, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) cho rằng, người dân vừa là nạn nhân nhưng đồng thời cũng có phần trách nhiệm trong các hành vi tham nhũng. Bà Nga dẫn chứng về khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 21% người được hỏi cho biết họ tự nguyện đưa hối lộ với mong muốn công việc của mình được suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, phòng, chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Người dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động rất thiết thực và có tính lan tỏa cao.

Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng sẽ được Thanh tra Chính phủ chú trọng đẩy mạnh thời gian tới. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Thông tư và dự kiến trong tháng 12 này sẽ ban hành Thông tư khen thưởng người tố cáo. “Cùng với đó là đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng. Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, khuyến khích người dân, công chúng tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng", Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Thu Phương

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng

Việc thu hồi tài sản là một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng, được quy định tại nhiều văn bản pháp luật... Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN