Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Tăng trách nhiệm người dân về phòng cháy, chữa cháy

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 28/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Nam thảo luận ở tổ sáng 28/5. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


* Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy


Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Sau gần 12 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng Những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành là cần thiết nhưng chưa đủ, chưa bao quát hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành nhằm bảo đảm luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.

Về trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy, một số đại biểu cho rằng các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao phải bắt buộc phải trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; khuyến khích các hộ khác trang bị các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên (Lầm Đồng) đề nghị cần quy định rõ: không được sử dụng nhà ở trong khu dân cư làm kho chứa các vật tư, hàng hóa nguy hiểm dễ cháy, nổ; các trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ để người dân có cơ sở thực hiện đúng luật.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trần Dương Tấn (Bến Tre) cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu là phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy. Trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm bồi hoàn chi phí chữa cháy; nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên (Lâm Đồng) đề nghị cần bổ sung thêm: “người đứng đầu phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy”.

Liên quan đến chế độ đối đội viên đội dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, một số đại biểu cho rằng việc có chế độ chính sách hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng là cần thiết, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia phòng cháy, chữa cháy ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Trao đổi về vấn đề ngân sách hoạt động phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre) cho rằng Luật phòng cháy, chữa cháy không cần quy định tỷ lệ cụ thể chi ngân sách cho phòng cháy, chữa cháy mà chỉ cần quy định như Dự thảo luật: Nhà nước cấp ngân sách hoạt động phòng, cháy, chữa cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách. Trong ngân sách hàng năm của cấp các có danh mục chi cho công tác phòng cháy, chữa cháy".

Theo đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre), dự thảo Luật cần quy định tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cung ứng, vận chuyển vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải in các thông số kỹ thuật trên nhãn hàng hóa và phải có bản hướng dẫn an toàn về phòng cháy, chữa cháy bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bởi, người nước ngoài đang sống và làm việc tại nước ta hiện nay tương đối nhiều.

Đề cập về công tác phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân, một số đại biểu đề nghị cần có phương án xử lý phòng cháy từ khâu thiết kế. Mặt khác, phải thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời được trang bị những phương tiện chuyên dụng hiện đại cũng như thiết bị bảo hộ đặc biệt để bảo đảm cho việc phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa, ngăn chặn thảm họa sau khi cháy.

* Tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp. Bởi, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tạo ra các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh nghiệm sản xuất cũng như thị trường kinh doanh.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng chỉ có sửa đổi, bổ sung quy đinh này mới tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần phải xem xét cụ thể đối với từng doanh nghiệp; không nên tạo thuận lợi cào bằng giữa các doanh nghiệp, mà phải ưu tiên những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả trước. Đối với những doanh nghiệp hoạt động không đạt hiệu quả, cần phải xem xét cẩn thận và cân nhắc kỹ càng.

Theo dự thảo dự án luật, khoản 2 Điều 170 được điều chỉnh theo hướng sau, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau: Đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Hoặc không đăng ký lại, trong trường hợp này, doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp và các quy định khác của Luật này, pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư, doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung.


Nguyễn Cường



Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội dành cả ngày 27/5 thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN