Tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương

Ngày 10/1, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức họp Tổng kết hoạt động năm 2016, định hướng công tác năm 2017.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam là cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam tặng ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam; Giáo sư Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tiểu ban chuyên môn về con người và sinh quyển Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, năm 2016 thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam vào hầu hết các diễn đàn trên cả 5 lĩnh vực của UNESCO về cả số lượng các kỳ họp, diễn đàn đã tham dự cũng như chất lượng nội dung tham gia đóng góp.

Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tạo sự khác biệt so với năm trước với việc tham gia chủ động, sâu và chuyên nghiệp hơn tại các kỳ họp tại Hội đồng Chấp hành UNESCO và Ủy ban Di sản Thế giới, hai cơ quan quan trọng hàng đầu của tổ chức. Thông qua việc chuẩn bị kỹ đề án tham gia, phối hợp các ý kiến của các bộ, ban, ngành để chia sẻ những kinh nghiệm triển khai của Việt Nam , Ủy ban đã góp ý điều chỉnh các chương trình của tổ chức, tham gia tích cực thảo luận về những nội dung định hướng. Việc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tích cực cùng với các nước khác tìm giải pháp thỏa đáng đối với các hồ sơ, khôn khéo xử lý các mối quan hệ giữa các nước được các quốc gia liên quan đánh giá cao về năng lực, tinh thần trách nhiệm, thiện chí của Việt Nam, qua đó nâng cao hình ảnh Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quan trọng này của UNESCO, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với nhiều nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia tích cực các diễn đàn quan trọng khác của UNESCO, phát huy vai trò chủ động dẫn dắt thông qua việc đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các Ủy ban chuyên môn của UNESCO; chủ động đăng cai Hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị lần thứ tám Đại hội đồng Chương trình Ký ức Thế giới Châu Á-Thái Bình Dương.

Thông qua việc tham gia sâu, rộng vào các diễn đàn của UNESCO, Việt Nam đã bảo vệ thành công các hồ sơ của Việt Nam, tiêu biểu như: Hồ sơ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản phi vật thể thế giới, hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Kế hoạch quản lý và điều chỉnh ranh giới và Tuyên bố Giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Quần thể Danh thắng Tràng An; kết nối với mạng lưới các chuyên gia, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, quốc gia nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia cho các vấn đề của Việt Nam, từng bước tiếp cận hiệu quả các nguồn lực UNESCO và vận dụng các ý tưởng, kinh nghiệm của UNESCO để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đối với việc triển khai Đề án ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021, Ủy ban đã tích cực triển khai các công việc vận động trong năm 2016 và bước đầu thu được một số tín hiệu khả quan.

Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, trong năm 2017, các tiểu ban phải tranh thủ hơn nữa các vị trí Việt Nam đã trúng cử trong các cơ chế của UNESCO. Các bộ, ban, ngành, địa phương cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ phía UNESCO. Đồng thời, các tiểu ban của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cần có cơ chế, chính sách hợp tác, các mô hình tư vấn, quản lý đối với các bộ, ban, ngành, địa phương nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa các di sản của Việt Nam.


Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá, lâu nay, việc tôn vinh di sản rất mạnh về lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Trong năm 2017, cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực khoa học, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực thủy văn và hải dương học.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường trao đổi, tư vấn với các tiểu ban nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tài chính cũng như trong đào tạo nguồn nhân lực.

Các đại biểu tham gia Hội nghị đã nhất trí một số nội dung trọng tâm trong công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2017. Theo đó, Ủy ban tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương thông qua việc đảm nhiệm vai trò tại các cơ quan chủ chốt của UNESCO; đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chú ý hơn đến các lĩnh vực còn ít hoạt động như thông tin, khoa học xã hội; tiếp tục vận động UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu của UNESCO như: vận động để Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới công nhận hồ sơ: “Châu bản triều Nguyễn” là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới; hồ sơ “ Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; vận động chuyển hồ sơ Hát xoan từ danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại...; vận động cho ứng cử viên Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.

Thu Phương (TTXVN)
 UNESCO Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước
UNESCO Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Chiều 18/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp đoàn Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và các đại biểu quốc tế nhân dịp đoàn về dự hội nghị quốc tế “Vai trò đạo đức toàn cầu đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN