Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025

Ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Malaysia, các nhà lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 đã ký tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Báo Tin Tức xin giới thiệu toàn văn tuyên bố:


Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung sáng 21/11. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

1. Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ đại diện cho nhân dân các Quốc gia Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi là “ASEAN”), nhóm họp ở đây hôm nay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, ở Kuala Lumpur, để kỷ niệm sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

2. Chúng tôi nhắc lại Tầm nhìn ASEAN về một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh, được xây dựng trên cơ sở các nguyện vọng và cam kết trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tầm nhìn ASEAN 2020, Tuyên bố Hòa hợp Bali II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015) và Tuyên bố Hòa hợp Bali III.

3. Chúng tôi hài lòng thấy rằng những tiến triển tích cực đạt được từ năm 2009 trong việc triển khai Lộ trình Cộng đồng ASEAN, bao gồm các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), Khung Chiến lược Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II (2009-2015) cũng như Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, đã đưa chúng ta tới một cột mốc quan trọng khác trên chặng đường phát triển của ASEAN, đó là sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN 2015.

4. Chúng tôi quyết tâm củng cố sự vững mạnh của Cộng đồng chúng ta, phát huy những kết quả đạt được và làm sâu sắc tiến trình liên kết để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân của chúng ta được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.

5. Chúng tôi hình dung về một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức và về ASEAN là một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình. 

Chúng tôi cũng hình dung về các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động, với kết nối ASEAN được đẩy mạnh cũng như những nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển được tăng cường, trong đó có Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI). Chúng tôi cũng còn hình dung về một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN

6. Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. 

ASEAN sẽ luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, và đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.

7. Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ hiện thực hóa:

7.1 Một cộng đồng dựa trên luật lệ, tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử quan hệ hòa bình giữa các quốc gia;

7.2 Một cộng đồng dung nạp và có khả năng ứng phó, bảo đảm người dân của chúng ta hưởng các quyền con người và tự do cơ bản cũng như phát triển trong một môi trường công bằng, dân chủ, hài hòa và mang tính nhạy cảm giới, phù hợp với các nguyên tắc dân chủ, quản trị tốt và pháp chế;

7.3 Một cộng đồng theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa, tôn trọng đầy đủ các tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau của người dân, đề cao các giá trị chung trên tinh thần thống nhất trong đa dạng cũng như xử lý mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới tất cả các hình thức và biểu hiện;

7.4 Một cộng đồng với cách tiếp cận toàn diện về an ninh, theo đó, nâng cao năng lực để xử lý hiệu quả và kịp thời các thách thức hiện có và đang nổi lên, bao gồm các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là các tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới;

7.5 Một khu vực giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, trong khi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết xung đột;

7.6 Một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về giải trừ quân bị, không phổ biến các loại vũ khí này và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân;

7.7 Một cộng đồng tăng cường an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải vì hòa bình và ổn định ở trong và ngoài khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt và áp dụng các nguyên tắc và công ước về hàng hải được quốc tế công nhận;

7.8 Một cộng đồng tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì vai trò động lực chủ đạo trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; và

7.9 Một cộng đồng, vì lợi ích phát triển quan hệ hữu nghị và cùng có lợi, làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các bên Đối thoại, tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài khác và hướng tới các đối tác tiềm năng, và cùng ứng phó một cách xây dựng trước các tiến triển của toàn cầu cũng như các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN

8. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; cùng với tăng cường kết nối kinh tế cũng như hội nhập và hợp tác liên ngành; trong khi thúc đẩy một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

9. Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ đạt được:

9.1 Một nền kinh tế khu vực gắn kết và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; gia tăng thương mại, đầu tư và tạo việc làm; nâng cao năng lực khu vực trong việc ứng phó với các thách thức và xu hướng lớn trên toàn cầu; đẩy nhanh chương trình nghị sự một thị trường thống nhất thông qua tăng cường các cam kết về thương mại hàng hóa; bao gồm giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan, hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động có tay nghề, doanh nhân và vốn;

9.2 Một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, áp dụng phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số, thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và các quy định tương ứng cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả; hướng tới tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu;

9.3 Tăng cường kết nối kinh tế và hội nhập liên ngành thông qua cải thiện các khuôn khổ và chính sách khu vực trong các ngành chiến lược được xác định là thiết yếu đối với sự vận hành hiệu quả của cộng đồng kinh tế;

9.4 Một cộng đồng tự cường, dung nạp và hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự phát triển đồng đều và tăng trưởng toàn diện; thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua tăng cường hợp tác và các chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia hiệu quả của giới kinh doanh và các giới liên quan, các dự án và hợp tác phát triển tiểu vùng, và các cơ hội kinh tế lớn hơn để hỗ trợ xóa nghèo; và

9.5 Một ASEAN toàn cầu, thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống và nhất quán hơn trong quan hệ kinh tế với các đối tác bên ngoài, duy trì vai trò và vị trí trung tâm là động lực chính yếu dẫn dắt và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực ở Đông Á, và tăng cường sự tham gia của ASEAN vào chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu thông qua nỗ lực hướng tới xây dựng lập trường, tiếng nói và nhận định chung trong xử lý các vấn đề kinh tế quan trọng.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN

10. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường và năng động.

11. Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ hiện thực hóa:

11.1 Một cộng đồng tận tâm với sự tham gia của mọi tầng lớp và có trách nhiệm xã hội, thông qua một cơ chế chịu trách nhiệm và dung nạp vì lợi ích của tất cả người dân ASEAN được giữ vững bởi các nguyên tắc quản trị tốt;

11.2 Một cộng đồng dung nạp, thúc đẩy chất lượng cuộc sống cao, tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, và thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người khuyết tật, người lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế bên lề khác;

11.3 Một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân;

11.4 Một cộng đồng tự cường với năng lực và khả năng được nâng cao nhằm thích nghi và ứng phó với các biến động dễ tổn thương về kinh tế và xã hội, thảm họa, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên; và

11.5 Một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu.

Hướng về phía trước

12. Để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, chúng tôi sẽ hiện thực hóa cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN, nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc của tất cả cơ quan trong ASEAN và tăng cường Ban Thư ký ASEAN. Chúng tôi cũng sẽ hiện thực hóa cộng đồng với tăng cường sự hiện diện về thể chế của ASEAN tại từng quốc gia thành viên ASEAN.

13. Theo đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Hội đồng Cộng đồng ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong ASEAN 2025: Cùng Vững vàng Tiến bước và đệ trình báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN theo quy trình thủ tục đã được thiết lập.

14. Chúng tôi cam kết với người dân của chúng ta về quyết tâm sẽ hiện thực hóa một ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, một ASEAN của “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.

TTXVN/Tin Tức
Thủ tướng Malaysia yêu cầu duy trì hợp tác ASEAN+3
Thủ tướng Malaysia yêu cầu duy trì hợp tác ASEAN+3

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 21/11 khẳng định ASEAN phải đảm bảo đà hợp tác với các đối tác, đối thoại tại khu vực Đông Á được duy trì thông qua các sáng kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN