Trong những tháng đầu tiên sau khi dịch bùng phát, cuộc sống hằng ngày của chúng tôi gặp không ít khó khăn do sự khan hiếm của không chỉ các hàng hóa phục vụ cho việc phòng dịch như khẩu trang, cồn diệt khuẩn và nước rửa tay, mà còn cả giấy vệ sinh. Do nguồn cung khan hiếm nên giá cả của các mặt hàng này tăng chóng mặt. Người người, nhà nhà đều đổ xô đi săn lùng. Nhiều người phải xếp hàng từ tờ mờ sáng trước các cửa hàng để chờ mua cho bằng được dù không biết hôm đó có hàng hay không. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đội mưa gió, đứng chờ hàng giờ ở cửa hàng gần nhà để mua khẩu trang, nhưng không ít lần ra về tay trắng.
Để khắc phục tình trạng thiếu khẩu trang, có thời điểm, tôi đã phải sử dụng đi, sử dụng lại trong vài ngày một chiếc khẩu trang sử dụng một lần cho dù hiểu rõ điều này có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Mỗi khi đi ngoài đường về, tôi lại đem phơi khẩu trang ở ngoài ban công, với hy vọng virus (nếu có) sẽ bay khỏi khẩu trang sau một thời gian phơi. Để tăng thời gian phơi, tôi phải luân phiên sử dụng vài ba chiếc khẩu trang như vậy.
Sau đó, tôi cũng thay đổi phương thức tác nghiệp để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Thay vì gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp, tôi chuyển sang sử dụng các phần mềm như Zoom hay Google Meet để thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tuyến. Mặc dù vậy, do đặc thù công việc nên nhiều lúc, tôi vẫn phải đi thực tế để ghi lại các hình ảnh cho kênh Truyền hình Thông tấn như ra sân bay Narita để phản ánh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đưa các công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ Nhật Bản về nước, hay đi tới các doanh nghiệp Nhật Bản để phản ánh cuộc sống của các thực tập sinh Việt Nam trong đại dịch.
Cùng với việc điều chỉnh phương thức tác nghiệp, tôi cũng điều chỉnh thói quen để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trước đây, khi còn ở Việt Nam, rất hiếm khi tôi đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, ngay cả vào những ngày chất lượng không khí ở Hà Nội rất thấp. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang đã trở thành “người bạn đồng hành không thể thiếu” của tôi mỗi khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng và xịt mũi bằng dung dịch muối biển ngay khi về đến nhà, đồng thời thường xuyên nhắc nhở anh em trong CQTT triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Một điều khiến tôi ấn tượng khi tác nghiệp trong thời kỳ đại dịch ở Nhật Bản chính là ý thức tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của người dân “đất nước Mặt Trời mọc”. Mặc dù Nhật Bản không có quy định về việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng nhưng hầu như tất cả người dân nước này đều tự giác đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, ngay cả vào những thời điểm dịch bệnh đã lắng dịu. Các cửa hàng và công sở đều chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch như bố trí máy đo thân nhiệt và cồn diệt khuẩn ở ngay cửa ra vào, bố trí chỗ ngồi giãn cách…
Bên cạnh đó, tôi cũng rất ấn tượng với tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản trong đại dịch. Dịch COVID-19 khiến nhiều thực tập sinh và du học sinh Việt Nam bị mất việc và không có thu nhập để trang trải cho cuộc sống bản thân. Vào thời điểm đó, nhiều cá nhân và tổ chức người Việt ở Nhật Bản đã chủ động đóng góp tiền, lương thực và thực phẩm để hỗ trợ các thực tập sinh và du học sinh, đồng thời bố trí chỗ ở cho họ trong lúc chờ chuyến bay. Nhờ vậy, cuộc sống của các đối tượng này cũng bớt phần khó khăn.
Một điều khác mà tôi nghĩ có thể học hỏi là ý thức kỷ luật trong công việc của người Nhật. Sau khi dịch bệnh bùng phát, phần lớn các ngành, lĩnh vực ở Nhật Bản đều lao đao. Một trong những ngành bị thiệt hại nhất là hàng không và du lịch. Điều này thể hiện rõ ở sân bay quốc tế Narita. Từ một trong những cảng hàng không tấp nập nhất ở trên thế giới, Narita đã trở thành một sân bay vắng lặng sau dịch bệnh. Hằng ngày, sân bay này chỉ tiếp đón một vài chuyến bay. Tuy nhiên, công ty xe buýt vẫn đều đặn duy trì các chuyến xe từ sân bay tới trung tâm Tokyo để phục vụ cho các hành khách có nhu cầu. Trong lúc ngồi chờ tác nghiệp ở sân bay này năm ngoái, tôi đã nhiều lần chứng kiến các chuyến xe buýt vẫn xuất phát rất đúng giờ cho dù không có hành khách và các nhân viên xe buýt vẫn lên xe làm các thủ tục chào hành khách như mọi ngày.
Sau một năm rưỡi sống chung với đại dịch, cho đến thời điểm này, cùng với các phóng viên khác, tôi đã quen với trạng thái bình thường mới. Tôi vẫn tích cực thực hiện công tác phóng viên để phản ánh kịp thời về tình hình Nhật Bản và cộng đồng người Việt Nam ở đây, trong khi vẫn duy trì sự cảnh giác cao độ với dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với người dân ở trong nước, điều mà tôi mong mỏi nhất hiện nay là dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, không chỉ ở Việt Nam và Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới.