Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV:

Sửa đổi luật là gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự. Phóng viên TTXVN tại Quảng Nam đã trao đổi với đại biểu Dương Văn Phước, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam về các nội dung trên.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Dương Văn Phước, không khí thảo luận ở tổ và thảo luận trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội đều hợp lý và thỏa đáng. Nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết, thể hiện rõ hơi thở của cuộc sống, đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nội dung kiến nghị rất sát thực. Tại điểm cầu Quảng Nam, hầu hết các buổi thảo luận các đại biểu tham gia tích cực, sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm.

Xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về dựng hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn lên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, các nội dung sửa đổi, bổ sung về luật lần này là những vấn đề cấp bách, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trên lĩnh vực đầu tư của các luật đầu tư công, luật đầu tư  và luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này, nhất là trên lĩnh vực đầu tư sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư, huy động vốn cho phát triển trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, riêng nội dung về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, thống nhất tờ trình việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn phòng, chống COVID-19, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, song cần cân nhắc thận trọng bởi đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến tài nguyên quốc gia, rất dễ bị trục lợi, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến thiệt hại nặng, thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Nhất là việc lợi dụng việc áp dụng của luật sửa đổi bổ sung lần này để chuyển đổi đất sắp hết hạn sử dụng và chuyển mục đích tràn lan gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thống nhất áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế nhưng chỉ áp dụng từ 2-3 năm, không nên kéo dài 5 năm sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất xe ô tô trong nước. Mặt khác, trong 2-3 năm ưu đãi dẫn đến doanh nghiệp được ưu đãi đã hoàn thành hệ thống hạ tầng, đủ nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh; không nên kéo dài ưu đãi để dẫn đến công bằng trong kinh doanh. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước chuyển sang công nghệ mới sản xuất dòng xe chạy pin thân thiện với môi trường.            

Trần Tĩnh (TTXVN)
Thông cáo báo chí số 1, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 1, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ Ba, ngày 4/1/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN