Sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tái cấu trúc nền kinh tế

Chiều 6/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2011 đã kết thúc sau một ngày làm việc hết sức khẩn trương, với cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho sự phát triển của Việt Nam. Các đối tác phát triển cam kết dành gần 7,4 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

Cam kết sử dụng hiệu quả

Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng số viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam trong năm 2012 là 7,386 tỷ USD, thấp hơn so với mức 7,9 tỷ USD của năm 2010.

Đường vành đai 3 (Hà Nội) - công trình được đầu tư bằng vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam – TTXVN


Giải thích về sự sụt giảm này, ông Vinh cho biết, năm ngoái Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho Việt Nam 500 triệu USD để khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm nay, chương trình hỗ trợ đã kết thúc.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, con số gần 7,4 tỷ USD ODA là đáng khích lệ trong điều kiện nhiều nước khu vực châu Âu đang khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách. Các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản đều đang gặp khó khăn nhưng các nhà tài trợ vẫn cam kết tài trợ cho Việt Nam. Hơn nữa, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA như cam kết cũng đã thể hiện sự ưu tiên của các nhà tài trợ cho Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam cần khoảng 500.000 tỷ đồng để hoàn thành các công trình đang dang dở, nhưng hiện nguồn vốn để giải ngân chỉ còn khoảng 180.000 tỷ đồng. “Vì vậy, nguồn vốn tài trợ ODA rất quý giá, chúng ta cần sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn” ông Vinh nói.

Bộ KH&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 3 - 5 năm, công bố rõ ràng nguồn lực của Nhà nước. “Đó chính là cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà tài trợ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đại diện các nhà tài trợ, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia của WB đánh giá cao nỗ lực sử dụng vốn ODA hiệu quả của Chính phủ thời gian qua. Bà Kwakwa và các nhà tài trợ sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế các năm tiếp theo.

Tái cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2011, giải ngân ODA của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Dự kiến năm nay sẽ giải ngân được 3,65 tỷ USD. Mức giải ngân này chỉ bằng nửa mức cam kết 7,9 tỷ USD tại Hội nghị CG năm ngoái nhưng tăng 10% so với mức giải ngân hơn 2,9 tỷ USD của năm 2010.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2011 là một năm đầy khó khăn với kinh tế Việt Nam. Để “sốc lại” nền kinh tế, trong năm 2012, Việt Nam sẽ tập trung các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trước mắt, trong năm 2012 tập trung vào 3 lĩnh vực: Tái cơ cấu mà trước hết là đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng thương mại.

Về vấn đề này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB cho rằng, Việt Nam đã nhận thức được các vấn đề để tái cơ cấu như: Đầu tư công, khu vực kinh tế nhà nước. Nhưng Việt Nam cần cụ thể hóa các nội dung này. Trong việc đầu tư từ nguồn vốn ODA, Chính phủ nên xác định các dự án nào cần ưu tiên hoàn thành và thể hiện quyết tâm hoàn thành, nhất là với các dự án trọng điểm.

Ngoài ra, “cần kiểm toán đánh giá độc lập hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước để xem ngân hàng, doanh nghiệp nào có "sức khỏe" tốt, đơn vị nào cần tái cấu trúc, sau đó phải hành động quyết liệt để thực hiện”, bà Victoria Kwakwa đề nghị.

Theo đại diện của WB, Việt Nam cần lưu ý những mục tiêu trung hạn và dài hạn trong mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cần phải có nỗ lực từ Trung ương và địa phương, phải minh bạch và giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện.

Theo các nhà tài trợ, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả đầu tư công sẽ giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Bộ KH&ĐT cho biết, tổng mức đầu tư toàn xã hội đang tăng lên, nhưng trong bối cảnh lạm phát tăng, nợ công cao thì Chính phủ Việt Nam phải tiết giảm đầu tư công. Trước đây, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nay giảm dần đầu tư công, cho tư nhân tham gia vào đầu tư.

Theo ông Vinh, vốn nhà nước chỉ dùng để đối ứng với các dự án tư nhân, hoặc kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, những vùng không hoàn vốn được. Nguồn vốn nên được bố trí tập trung vào các dự án cụ thể, tránh đầu tư dàn trải. Do vậy, việc quản lý và sử dụng phải hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn, vốn nhà nước cũng ưu tiên cho vốn đối ứng ODA.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN