Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), hiện có tới trên 80% doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải bằng ô tô có quy mô rất nhỏ, dưới 10 đầu xe, khâu quản trị DN sơ sài, dẫn đến công tác quản lý và điều hành hoạt động lỏng lẻo, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Trước thực tế này, TCĐBVN đã dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP (ngày 21/10/2009) của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm siết chặt hoạt động của các DN theo hướng kiện toàn các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.

Bát nháo!

Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sau hơn 2 năm thực hiện đã góp phần cải thiện trật tự vận tải, công tác đảm bảo ATGT trên cả nước, đặc biệt là vấn đề chất lượng dịch vụ vận tải đã tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên đến nay, qua quá trình kiểm tra hoạt động vận tải tại các địa phương và phản ánh của các đơn vị vận tải, việc triển khai Nghị định 91/2009/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan tới quy định chung đối với DN kinh doanh vận tải bằng ô tô; quy định đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi; vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch, cũng như quy định đối với hoạt động vận tải hàng hóa.

Cần hạn chế những doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ, manh mún.


Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông (TNGT) 3 tháng đầu năm đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, số vụ TNGT nghiêm trọng do các loại phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa gây ra luôn chiếm tỉ lệ cao. Theo phân tích của lực lượng cảnh sát giao thông, ngoài nguyên nhân chủ yếu là do lỗi lái xe, thì còn có những nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ phía DN vận tải tác động đến tâm lý của những lái xe. Bất cứ hành khách nào hiện nay khi được hỏi về hoạt động vận tải ô tô đều có thể nói ngay rằng: “Quá bát nháo!”. Không thể đếm hết tên các DN, hãng xe trên cùng một cung đường. Càng không thể biết được xe nào hoạt động đúng luật, vì trên đường xe thì phóng vù vù, xe thì “rùa bò”, chưa kể đến hiện tượng “bảo kê”... Tình trạng lái xe ô tô ngày nghỉ, đêm chạy thả phanh, xe “vua” và những TNGT nghiêm trọng bất ngờ xảy ra bây giờ không còn là chuyện hiếm.

Có một thực tế đáng buồn là các chủ DN kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hiện nay chỉ quan tâm tới lợi nhuận từ những chuyến hàng mà bỏ quên việc đảm bảo ATGT, cũng như thiếu sự quan tâm tới lái xe. Những áp lực vô hình như: Doanh thu, lượt chạy, thời gian chạy trên tuyến... đã ép lái xe chạy liên tục không ngừng nghỉ, thậm chí vi phạm luật giao thông. Không ít lái xe khi tham gia giao thông mà ở trong tình trạng mỏi mệt, căng thẳng, buồn ngủ. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ TNGT trong thời gian vừa qua. Trong giao nhận hàng hóa hiện nay, ngoài áp lực đúng giờ giấc thì chính mức khoán chuyến/ngày đòi hỏi lái xe phải ngồi sau tay lái liên tục, rất dễ gây tai nạn. Trong khi đó, nếu tài xế vi phạm luật giao thông hay tai nạn xảy ra, các DN vận tải vẫn vô can; tất cả gánh nặng vật chất, tinh thần đều đổ hết lên đầu lái xe. Đặc biệt, nếu TNGT nghiêm trọng xảy ra thì trách nhiệm vẫn thuộc hoàn toàn về người cầm lái.

Khảo sát của TCĐBVN cho thấy, do các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay có nhiều nội dung chưa thật chi tiết, đặc biệt là quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa và chở người, nên hoạt động của các DN rất manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, các cá nhân, tập thể chỉ có một vài đầu xe cũng tham gia kinh doanh vận tải, khiến hoạt động này gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh.

Qua kiểm tra, tất cả các DN vận tải bằng taxi có quy mô nhỏ dưới 10 đầu xe tổ chức quản lý quá đơn giản, hầu như không quản lý. Nhiều đơn vị chỉ cho thuê thương hiệu, còn bỏ mặc cho tư nhân “nhảy múa” thu chi. Cùng với đó, quy định về màu sơn xe gây nhiều tranh cãi khiến các đơn vị vận tải taxi gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, việc quy định cự ly tuyến xe buýt không quá 60 km khó thực hiện do đang tồn tại nhiều tuyến xe buýt tại các địa phương có cự ly trên 60 km nhưng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch còn tồn tại nhiều tuyến vận chuyển hành khách tham quan du lịch hoạt động như tuyến cố định. Xe chạy theo hợp đồng nhưng việc đón, trả khách dọc đường xảy ra khá phổ biến... Thực tế này đang gây bức xúc dư luận, người đi đường bởi chất lượng dịch vụ đi kèm nhiều hệ lụy phát sinh, tiêu cực và xảy ra trên bất cứ tuyến đường nào.

Bên cạnh đó, do Nghị định 91/CP chưa đưa ra được các quy định và điều kiện cần thiết để tổ chức quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, mà mới chỉ đề cập riêng đối với vận tải hàng hóa bằng container là một phần nhỏ của lực lượng vận tải hàng hóa hiện nay. Vì vậy, quản lý vận tải hàng hóa hoàn toàn bị buông lỏng từ cấp trung ương đến địa phương, ngay cả việc thống kê số liệu và dữ liệu cho công tác quản lý hàng hóa hiện nay cũng gây cho các cơ quan chức năng nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Nhiều quy định của Nghị định 91/CP đang tạo khe hở cho các DN hoạt động đối phó, khó đáp ứng được mục tiêu của Nghị định đề ra là nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác ATGT của các DN vận tải.

Siết chặt!

Theo Nghị định, quy định DN vận tải hàng hóa, hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa bằng container phải thành lập bộ phận quản lý các điều kiện về ATGT. Song, do chưa có hướng dẫn thống nhất cho các đơn vị vận tải về tổ chức hoạt động của bộ phận này, nên các DN thực hiện chủ yếu theo kiểu đăng ký trên hồ sơ mà chưa triển khai thực tế. Quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có hiệu lực, nhiều DN đã đầu tư, lắp đặt trên xe theo quy định, nhưng cả cơ quan quản lý và không ít DN vẫn chưa sử dụng các dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý và tổ chức vận tải, chưa đạt được mục đích là để góp phần đảm bảo ATGT. Chưa kể các DN chỉ có vài đầu xe, thì vấn đề này gần như “bỏ ngỏ”.

Rõ ràng, việc có quá nhiều thành phần kinh doanh vận tải theo kiểu nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải như hiện nay, thậm chí chỉ cần có một chiếc xe, tự lái hoặc thuê người lái là có thể kinh doanh vận tải đang làm “bức tranh” vận tải trở nên xấu xí. Phải chấm dứt tình trạng kinh doanh vận tải không thể kiểm soát được này mới có thể kéo giảm TNGT. Theo các chuyên gia giao thông, muốn làm được điều này, ngoài việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/CP, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay phải chấp nhận sự cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé” theo cơ chế thị trường. Trên cùng một cung đường vận tải, nếu chỉ có số ít DN vận tải đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo chất lượng, kiểu dáng và màu sắc không lẫn lộn, lái xe chỉ chạy từ 200-300 km là vào các trạm nghỉ giữa đường đổi lái, nghỉ ngơi... chắc chắn sẽ không còn hiện tượng tranh giành khách, xe dù bến cóc, phóng nhanh vượt ẩu và chắc chắn TNGT sẽ giảm.

Trước thực trạng này, TCĐBVN đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2009/NĐ-CP trình Bộ GTVT, trong đó tập trung bổ sung các quy định cụ thể như: đơn vị vận tải tại các thành phố trực thuộc trung ương phải có tối thiểu 10 đầu xe, quản chặt xe container, điều chỉnh cự ly tuyến đối với xe buýt liên tỉnh từ 60 km lên 100 km, quy định về số lượng xe tối thiểu đối với một đơn vị vận tải khách có cự ly từ 300 km trở lên, xe sơmi rơmoóc cũng phải gắn phù hiệu như xe khách và taxi... đồng thời bổ sung ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng vận tải và ATGT. Thực hiện bộ tiêu chuẩn này, các DN đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ phải công khai các tiêu chuẩn dịch vụ để người dân cũng như cơ quan quản lý biết và giám sát.

Bên lề hội nghị trực tuyến về công tác ATGT quý I/2012 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, việc tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về ATGT cần phải được đặt ra, trên tinh thần ai vi phạm phải xử lý nghiêm, cơ sở nào vi phạm phải bị đình chỉ. Đại diện Ban ATGT các tỉnh, thành phố đều kiến nghị với Bộ GTVT, Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao thông theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông; như thế mới có thể lập lại trật tự hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Rõ ràng, việc siết chặt hoạt động kinh doanh ngành nghề này hiện nay là yêu cầu bức thiết, muộn còn hơn không, nhằm tránh hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN