Sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trước diễn biến của bão số 14

Trước diễn biến phức tạp của bão số 14, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị, địa phương trong vùng ảnh hưởng, theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 14, hoạt động của tàu thuyền trên biển, tăng cường thông tin cho các tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân ven biển.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã nhấn mạnh yêu cầu trên tại cuộc họp ứng phó với bão số 14, diễn ra sáng 21/12, tại Hà Nội. 

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Để chủ động ứng phó với cơn bão này, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nhắn tin tới người dân để cảnh báo, Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phương án bảo vệ lồng bè trong nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo, ứng phó, đảm bảo an toàn hồ chứa, phục hồi sản xuất. Các địa phương chủ động thông tin về bão trên hệ thống giám sát thiên tai và phương tiện truyền thông của tỉnh; đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.  

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm: Cơn bão số 14 không lớn, ít khả năng ảnh hưởng mạnh tới đất liền, chỉ gây mưa ở khu vực miền Tây Nam Bộ, nhưng các tàu thuyền và ngư dân ven biển trong vùng ảnh hưởng không được chủ quan, nhất là khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Ngoài ra, mưa tập trung ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận sau đó mở rộng ra toàn khu vực Nam Bộ, tuy nhiên lượng mưa không lớn (phổ biến khoảng 80 - 120 mm).

Chú thích ảnh
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo về tình hình diễn biến của cơn bão số 14. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Hồi 7 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão số 14 ở khoảng 9,1 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão. Dự báo từ 7 giờ ngày 21/12 đến 7 giờ ngày 22/12, bão  số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo báo cáo, tính đến 6 giờ ngày 21/12, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 57.515 phương tiện với 348.974 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, khu vực quần đảo Trường Sa có 108 phương tiện với 753 người (các phương tiện chủ yếu đã neo đậu tránh trú); khu vực khác là 9.779 phương tiện với 64.354 người; neo đậu tại các bến là 47.628 phương tiện với 283.867 người.

Diệu Thúy (TTXVN)
Bắc Bộ rét đậm, rét hại, bão số 14 gây biển động mạnh
Bắc Bộ rét đậm, rét hại, bão số 14 gây biển động mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày và đêm 21/12 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào. Các tỉnh Bắc Bộ trời rét, vùng núi tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C. Bắc Trung Bộ trời rét, có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất từ 12-14 độ C.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN