Sẵn sàng bảo vệ biển đảo thiêng liêng

Bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ cao cả của mỗi cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và ngư dân trên biển. Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phùng Khắc Đăng (ảnh), Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về vấn đề này.

Ông có nhận định gì về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

Sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xét về mặt luật pháp quốc tế là không thể chấp nhận được. Xét trong quan hệ đối ngoại các nước với nhau thì việc hành xử như thế là không phù hợp. Thời gian qua, chúng ta đã đấu tranh quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, cả trên ngoại giao chính thống và ngoại giao nhân dân.

Có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam là một phép thử với những nước như Nhật Bản, Philippines… Trung Quốc chọn Việt Nam để gây hấn, bởi họ cho rằng Việt Nam được coi là cứng đầu nhất. Đây cũng là cái cớ để Trung Quốc “dằn mặt” Mỹ sau khi Tổng thống Obama công du tới một loạt các nước châu Á, trong đó có Philippines, Nhật Bản. Tại đó thì Tổng thống Mỹ đã lên tiếng ủng hộ, và thậm chí đã khẳng định đảo Senkaku - Điếu Ngư cũng nằm trong Hiệp ước an ninh của Mỹ-Nhật Bản. Nếu Trung Quốc đụng vào đó thì Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo vệ. Phép thử mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam xem hành động và lời nói của Tổng thống Mỹ ở mức độ nào.

Một nguyên nhân khác là do Trung Quốc khát nhiên liệu, và người ta đồ rằng dưới đáy biển có băng cháy, có khí đốt, dầu lửa… nên Trung Quốc đã liều lĩnh, bất chấp luật pháp quốc tế để gây hấn với Việt Nam. Nhưng theo tôi, đó chỉ là các yếu tố phụ, chưa phải là bản chất sự việc. Nếu điểm lại từ trước tới nay chúng ta thấy: Trung Quốc “khát” một vùng biển lớn, muốn đứng vào top các quốc gia có biển. Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều bước đi. Như năm 1974 Trung Quốc thỏa ước với Mỹ để công khai đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Tới giờ, chắc chắn Mỹ đã nhận ra sai lầm khi “bật đèn xanh” cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, làm mất vị thế của mình trong quan hệ quốc tế.

Sinh hoạt chính trị đã đi vào nề nếp của các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ảnh: Hữu Trung - Công Định - TTXVN


Năm 1988, một lần nữa Trung Quốc lại thực hiện âm mưu đen tối, dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc nói với chúng ta là hai Đảng, hai Nhà nước, hai chế độ đồng nhất có tình anh em đồng chí. Nhưng Trung Quốc đã hành xử ngược lại với những điều đã nói. Đó là những bước đi nhằm độc chiếm Biển Đông qua từng bước.

Không chỉ vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Trung Quốc còn gây hấn với cả Philippines, điều đó cho thấy bản chất sâu xa của Trung Quốc là chiến lược biển, là mở rộng ảnh hưởng của mình ra biển, và độc chiếm Biển Đông. Hiện nay, tuyến hàng hải trên Biển Đông chiếm 2/3 lượng tàu thuyền quốc tế đi lại trên vùng biển này. Nếu Trung Quốc lập thêm vùng nhận dạng phòng không thì đó sẽ là vấn đề tranh chấp lớn. Từ khi quốc phòng và kinh tế Trung Quốc trỗi dậy thì ý đồ sâu xa của Trung Quốc là mở rộng lãnh thổ, mở rộng đường biển càng rõ. Nếu chúng ta không nhận rõ điều này, bị mập mờ bởi một vài hiện tượng thì chúng ta sẽ không giải quyết được. Đây là suy nghĩ của tôi.

Vậy Quốc hội có nên ra một Nghị quyết riêng về Biển Đông thưa ông?

Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Quốc hội đã có Thông cáo số 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi tham gia các hội nghị ở trong nước và nước ngoài cũng nhấn mạnh và nêu lên thông điệp: “Chúng ta không thể đánh đổi chủ quyền của đất nước lấy một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Theo tôi, thái độ của chúng ta và người đứng đầu Chính phủ đã rất rõ ràng.

Thứ nhất, nguyên tắc tối thượng là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên không và trên biển. Thứ hai, chúng ta không vì tình hữu nghị viển vông, không vì cái bánh vẽ mà bị ru ngủ để quên nguyên tắc tối thượng đó. Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La tuy diễn đạt nhẹ nhàng, nhưng nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ rất rõ ràng và rất cứng rắn.

Nếu chỉ là cuộc tìm kiếm thăm dò dầu khí, năng lượng không thôi thì tại sao Trung Quốc lại đưa cả máy bay, tàu chiến bảo vệ giàn khoan như thế. Đây không phải hành động bảo vệ của một công ty, bởi một công ty có giàu có đến mấy cũng không thể bỏ tiền thuê tàu chiến, máy bay để bảo vệ một giàn khoan, nó quá tốn kém. Đây rõ ràng là hành động của Chính phủ Trung Quốc. Tại các hội nghị ở trong nước và nước ngoài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dùng chiêu bài tuyên truyền, kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Vừa rồi, Trung Quốc đã vu cáo trắng trợn, cho rằng tàu của chúng ta đâm va tàu trên 1.000 lần. Họ dựng ngược vấn đề, vu cáo trắng trợn… Thế giới luôn tỉnh táo, họ không dễ tin những điều vu cáo như thế, nhất là các video, clip của ta ghi lại tàu Trung Quốc cố tình gây hấn, đâm va tàu của Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và đâm chìm tàu cá Việt Nam khiến dư luận quốc tế rất bất bình.

Ông có ghi nhận gì về những tấm gương dũng cảm, các chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa và ngư dân bám biển?

Thông qua sự kiện trên Biển Đông chúng ta càng đánh giá đầy đủ hơn, rõ nét hơn truyền thống và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, nhất là lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Những hình ảnh qua các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy ý chí kiên cường, dũng cảm trước những áp lực lớn khi tàu của Trung Quốc gây hấn, đâm va và làm bị thương nhiều chiến sĩ. Song họ vẫn kiên cường bám biển, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó đã phát đi thông điệp rằng truyền thống yêu nước đã ngấm vào máu của các thế hệ người Việt Nam.

Lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển tuy mới được thành lập, trang thiết bị thô sơ, kinh nghiệm còn thiếu nhưng phải đối mặt với một lượng lớn tàu thuyền của Trung Quốc với vũ khí hiện đại. Nhưng lòng dũng cảm, ý chí và tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc được các chiến sĩ và ngư dân đặt lên trên hết.

Vừa qua chúng ta được xem chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển” càng thấy rõ ý chí quyết tâm bám biển của những ngư dân, những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Sau lưng các anh là một hậu phương vững chắc tạo động lực cho các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội cũng đã có một quyết định kịp thời với gói hỗ trợ ngư dân 16.000 tỷ đồng để đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển. Đây là một quyết sách kịp thời. Tôi nghĩ gói hỗ trợ ngư dân trước đó đã có, nhưng chúng ta làm chưa tốt. Hy vọng từ kinh nghiệm trước đây, đợt này chúng ta sẽ làm tốt hơn, đúng mục đích, tạo nòng cốt cho ngư dân đánh bắt xa bờ có phương tiện tốt hơn, giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống. Đây cũng chính là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà nước nên có đội tàu lớn để có thể chế biến thủy hải sản ngay trên biển. Khi ngư dân đánh bắt được thủy sản với khối lượng lớn có tàu thu mua, xử lý theo đúng quy trình chế biến ngay tại chỗ. Đây là cách làm giúp ngư dân nhiều hơn, giúp nhân dân tiết kiệm tiền xăng dầu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN