Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 2013

Ngày 25/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.


Một trong những giải pháp được các thành viên Chính phủ và địa phương đề xuất trong năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.


Quang cảnh khai mạc hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


* Kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2012 với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của doanh nghiệp và toàn dân, việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân…Nổi bật là lạm phát được kiềm chế, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. 


Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm (-) trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước, đạt mục tiêu đề ra.

Các giải pháp ổn định giá cả thị trường, kiểm soát cung-cầu hàng hóa, phát triển mạng lưới lưu thông được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế… đạt nhiều kết quả. Chính sách tiền tệ và tài khóa được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát. Công tác quản lý thu-chi ngân sách nhà nước được tăng cường, đảm bảo tăng thu, chống thất thu, hạn chế và tiết kiệm các khoản chi… Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức khá cao, cơ bản cân bằng xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, trong năm 2012 vừa qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung, song các cấp, các ngành đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp tích cực tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt khoảng 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra (13%).

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng cải thiện sau từng quý, GDP cả năm ước tăng khoảng 5,03%, tuy thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn như hạ mặt bằng lãi suất cho vay; tăng tín dụng cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên; giãn thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh..., sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực và duy trì được tăng trưởng hợp lý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 4,8% so với năm 2011; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển, đạt kết quả khá....

Việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được chú trọng; tập trung nguồn lực cải thiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm,… quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm thực hiện; cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, nhất là người lao động mất việc làm được quan tâm, thực hiện. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, góp phần đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Riêng về công tác xóa đói, giảm nghèo, cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 10% (giảm 1,76% so với năm 2011)... Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; hợp tác quốc tế và khu vực được mở rộng, đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi QuangVinh cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cần tiếp tục được khắc phục, trong đó nổi lên, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với kế hoạch, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm; tồn kho còn ở mức khá cao; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn;…

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có những nguyên nhân khách quan do khó khăn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm của một số nền kinh tế lớn, khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu, những bất ổn chính trị tại Trung Đông, nhưng chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại nền kinh tế với quy mô tăng trưởng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả chậm được thay đổi, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành ở một số nơi vẫn còn yếu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

* Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2013

Đề dẫn phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận nội dung của Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách 2013; Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương đi sâu phân tích tình hình triển khai kế hoạch năm 2013, trên cơ sở đó nhìn thẳng, nhìn thật về những khó khăn, hạn chế để đề ra những giải pháp khắc phục hiệu quả trong năm 2013.

Thống nhất cao với nội dung dự thảo 2 Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho rằng Chính phủ đã xác định chính xác vướng mắc lớn nhất hiện nay để tập trung tháo gỡ. Ngay sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành riêng một nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh Điền kiến nghị bổ sung mục tiêu “tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” vào mục tiêu tổng quát của năm 2013 để khẳng định quyết tâm của Chính phủ. Ông Điền cho rằng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, không thể thực hiện bình quân, dàn đều mà cần có giải pháp đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường do quy mô, tầm ảnh hưởng, khó khăn của từng doanh nghiệp là không giống nhau. Bên cạnh đó, việc giãn, giảm thuế sẽ có tác dụng rất lớn hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mặt khác cũng sẽ tác động đến nguồn thu lớn của các địa phương, do vậy Chính phủ cần tính toán để cân đối, hỗ trợ các địa phương.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, nắm bắt cụ thể khó khăn để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. “Bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế riêng để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất”- Ông Tưởng nói.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng những giải pháp, mục tiêu đã rõ, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tổ chức thực hiện như thế nào. “Các bộ, ngành trong vai trò tham mưu cho Chính phủ cần gắn bó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tham mưu cho Chính phủ thực hiện thắng lợi kế hoạch, tháo gỡ hiệu quả những khó khăn của doanh nghiệp”- Ông Quân nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bắc Kạn, Đắc Nông, Kiên Giang, Lào Cai … cùng thống nhất kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo các địa phương cho rằng chính nông nghiệp là “cứu cánh” để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn năm 2012.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo các địa phương cho rằng với quyết tâm cao của Chính phủ, sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt của các Bộ, ngành trung ương, các địa phương sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013.

* Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu


Trình bày nội dung dự thảo Nghị quyết tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung lớn là: giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; về giải quyết nợ xấu và tổ chức thực hiện.

Trong giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tập trung vào 4 nhóm công việc là: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; vốn tín dụng và cuối cùng là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm hiện nay và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội trong ngày 18 và ngày 19/12. Về nội dung này, dự thảo Nghị quyết đề ra một số giải pháp lớn là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp phát luật về đất đai, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển đô thị,… Rà soát tất cả các dự án nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp. Nghiên cứu để sớm hình thành các chế định tài chính mới như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ Đầu tư bất động sản, Cơ chế tái thế chấp nhà ở. Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách.

Về nội dung liên quan đến giải quyết nợ xấu, dự thảo Nghị quyết đề ra những giải pháp lớn như, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiềm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các biện pháp tự xử lý nợ xấu… Đối với Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của các ngân hàng chính sách, nợ xấu do cho vay theo chỉ định của Chính phủ, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 1/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ; phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đồng thời, xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Ban hành và sửa đổi các quy định nhằm tạo khung khổ pháp lý hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ….

Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Hỗ trợ tín dụng hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn đầu tư vào thị trường vốn, khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu. Triển khai quyết liệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” và Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm”. Xây dựng phương án xử lý nợ xấu của ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương được phân công….

Phát biểu về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu là Nghị quyết mang tính chất chuyên đề; mong muốn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đóng góp thiết thực nhằm sớm hoàn thiện Nghị quyết và để ban hành đồng bộ với Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

*Dành ưu tiên cao cho công tác đảm bảo an sinh xã hội

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho rằng, trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, bên cạnh thực hiện các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu;… cần tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cao cho công tác đảm bảo an sinh xã hội với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.


Lãnh đạo của nhiều địa phương như Quảng Nam, An Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh… đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là các hộ dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa… phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống; ban hành đồng bộ các chính sách về giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững cũng như có cơ chế, chính sách phát triển dạy nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho biết, là một địa phương có thế mạnh là nông nghiệp, đời sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất nông nghiệp nhất là phụ thuộc vào nghề trồng lúa, song khó khăn lớn nhất hiện nay của Kiên Giang và cũng như nhiều địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đầu ra của sản phẩm, sự khó khăn của đầu ra sản phẩm làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Kiên Giang đề nghị Trung ương tiếp tục xem xét xây dựng cơ chế đặc thù, có các chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ, ưu tiên xuất khẩu cho các vùng lúa trọng điểm như Kiên Giang bởi đây là những giải pháp hết sức quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng lúa và cũng là những giải pháp góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đề nghị cần tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động,…; cho đây là giải pháp căn cơ góp phần đảm bảo cho tăng trưởng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các huyện nghèo; tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao; nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững kết hợp với dạy nghề, tạo việc làm cho cho các địa phương trung du, miền núi. Ngoài ra, việc cường hơn nữa vai trò của Nhà nước trong giám sát và điều tiết quan hệ cung-cầu lao động trên thị trường lao động; có những quyết sách nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; quan tâm thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn lao động; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn; sớm hoàn thiện hệ thống văn bản thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;… cũng là những vấn đề lớn được lãnh đạo các địa phương đề xuất tới lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các địa phương trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn; phấn đấu nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản…

Ngày 26/12, Chính phủ tiếp tục họp với các địa phương thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.



Thiện Thuật

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Chiều 20/12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN