Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Quy hoạch tích hợp không chỉ là phép cộng cơ học

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trong phiên thảo luận chiều, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng quy hoạch, những bất cập hiện nay, từ đó nêu ra những kiến nghị đề xuất nhằm đưa công tác quy hoạch thực sự thông suốt, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương và quốc gia phát triển.

Sớm ban hành quy định về phân hạng tư vấn lập quy hoạch

Đưa ra ý kiến thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng quy hoạch cũng như năng lực của các tư vấn lập quy hoạch.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

 Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo của các công trình còn chưa được ban hành đầy đủ; khâu tổ chức tư vấn lập quy hoạch ở các địa phương vẫn còn hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn để đảm bảo có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch…

“Về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và tình hình triển khai thực tế ở các địa phương cho thấy việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu  hiện nay rất khó khăn và bất cập, do các yêu cầu đặt ra đối với đơn vị tư vấn rất cao, trong khi số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được các yêu cầu không nhiều. Mặt khác, hiện nay chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận phân tích.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, thực tế triển khai thực hiện cho thấy việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải lúc nào cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, đồng thời ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý kinh phí lập quy hoạch.

Kinh phí đầu tư cho lập quy hoạch quá thấp

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhấn mạnh quy hoạch là một trong những lĩnh vực khó và quan trọng, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát; nêu lên những băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch.

Theo đại biểu, các cơ quan chức năng, địa phương đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước… Đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí. “Một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít, hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành được đề cập đến trong báo cáo giám sát, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý.

Đại biểu nhấn mạnh, một nhà nước pháp quyền mà không áp dụng quy định của pháp luật đã ban hành, chúng ta căn cứ vào đâu, cơ sở nào để làm quy hoạch, bên cạnh đó còn rất nhiều nội dung chưa rõ. Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ.

Xây dựng quy hoạch cấp vùng, quốc gia không chỉ là phép cộng cơ học

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giám sát, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích mà Luật Quy hoạch mang lại giúp giảm hàng trăm quy định pháp luật về quy hoạch, thu gọn số lượng quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Theo đại biểu, việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế để tăng hiệu lực, điều phối của nhà nước, buộc các ngành phải chia sẻ dữ liệu, hình thành một hệ thống thông tin chung về quy hoạch nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng cát cứ, tự quy hoạch, tự điều chỉnh theo cơ chế xin - cho.

Về những tồn tại trong thực thi Luật Quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường hoàn toàn đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát về tiến độ lập quy hoạch quá chậm so với quy định.

“Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân, vì sao quy hoạch chậm? vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh và nếu như phải điều chỉnh, chi phí phải bồi thường cho nhà đầu tư, ai sẽ là người phải chịu? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa mới được phê duyệt rất công phu, nay các tỉnh lập quy hoạch lại cho rằng các chỉ tiêu đó không phù hợp? Tôi cho rằng, nguyên nhân không phải hoàn toàn do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch mà do chúng ta đã hiểu chưa đúng về cách thức triển khai quy hoạch tích hợp, nên còn lúng túng, thậm chí còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp”, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy hoạch tích hợp không chỉ đơn thuần chỉ là ghép nội dung của nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc (từ cấp trên xuống cấp dưới) và theo chiều ngang (theo không gian lãnh thổ). Để liên kết và thống nhất được các chỉ tiêu quy hoạch theo cả chiều dọc và chiều ngang, quá trình xây dựng quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương để cùng đặt các phương án quy hoạch lên trên bàn, cùng trao đổi thảo luận, đi đến một phương án chung, thống nhất.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Luật Quy hoạch không có quy định là quy hoạch nào làm trước, quy hoạch nào làm sau. Tuy nhiên, việc hiểu và thực hiện một cách máy móc Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho phép quy hoạch nào làm trước được phê duyệt trước, tạo ra hiện trạng các cơ quan có chức năng làm quy hoạch ở các bộ, ngành Trung ương không tập trung vào nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đổ xô xuống làm tư vấn quy hoạch cho tỉnh.

“Tôi e rằng, quy hoạch các tỉnh được duyệt trước, đến khi xây dựng quy hoạch cấp vùng chỉ là phép cộng cơ học các phương án quy hoạch của tỉnh trong vùng lại với nhau và quy hoạch quốc gia lại là phương án cộng cơ học quy hoạch của vùng. Điều này sẽ làm trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc của quy hoạch là cấp dưới tuân thủ cấp trên”, đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn.

Đại biểu đánh giá cao gần đây Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của Trung ương phải tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Và việc này phải làm song song với quy hoạch các tỉnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc triển khai quy hoạch chậm còn do quy định về việc lựa chọn tư vấn quy hoạch chưa phù hợp, không huy động được đông đảo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia quá trình lập quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng là tư vấn quy hoạch của các tỉnh quanh đi quẩn lại chỉ tập trung vào một số đơn vị như báo cáo giám sát.

Cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch then chốt nhất

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, trước một vấn đề mới, khó, phức tạp trong một thời gian rất ngắn lại chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, thông qua việc nghiên cứu một khối lượng lớn tài liệu và tổ chức hơn 30 cuộc làm việc với các cơ quan liên quan, Đoàn giám sát đã hoàn thành Dự thảo báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình về công tác quy hoạch hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Đoàn giám sát kỳ này chưa có đủ thời gian và cơ sở để đánh giá được chất lượng của các quy hoạch đã được phê duyệt để làm căn cứ đề xuất các giải pháp cụ thể hơn, giúp các quy hoạch chưa được phê duyệt, nâng cao chất lượng kế hoạch trong thời gian tới.

Để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Đại biểu nêu ví dụ như quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong và ngoài nước đặt hàng để tập trung triển khai các kế hoạch then chốt nêu trên.

Việt Đức (TTXVN)
Cử tri mong có những giải pháp gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch
Cử tri mong có những giải pháp gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch

Đa số cử tri tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ sự quan tâm đối với phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành diễn ra trong sáng 30/5, theo chương trình của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN