Quy hoạch đô thị và nông thôn có tầm nhìn dài hạn, tránh điều chỉnh cục bộ nhiều lần

Xác định, tổ chức không gian cụ thể để quy hoạch đô thị và nông thôn có tầm nhìn dài hạn, ổn định, tránh điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, chiều tối 22/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Làm rõ nội hàm khái niệm

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, dự thảo Luật phải giải quyết bất cập, tồn tại, vướng mắc về tư duy, tổ chức thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị trong thời gian qua.

Theo đó, Bộ Xây dựng cần làm rõ nội hàm khái niệm quy hoạch đô thị và nông thôn; xác định vị trí, giải quyết mối quan hệ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch địa phương, các luật chuyên ngành liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Nội hàm quy hoạch đô thị phải xác định rõ các yếu tố cấu thành về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, khu chức năng cũng như yêu cầu chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị mới, ứng phó biến đổi khí hậu… nhằm giải quyết bài toán định hướng không gian phát triển trong quy hoạch ngành, quy hoạch chung của địa phương. Xác định, tổ chức không gian cụ thể để quy hoạch đô thị và nông thôn có tầm nhìn dài hạn, ổn định, tránh điều chỉnh cục bộ nhiều lần.

Dự thảo Luật cũng cần có bộ tiêu chí xếp loại đô thị làm cơ sở để xác định mức độ phân cấp cho địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng nắm vững quan điểm, quy hoạch nông thôn là bước chuẩn bị cho sự phát triển đô thị.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Hồ sơ đề nghị xây dựng luật được Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với 3 chính sách: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật được thiết kế theo 5 chương, 61 điều; dự kiến tập trung giải quyết một số vấn đề chính như thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định pháp luật theo 3 nhóm chính sách được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; bổ sung, quy định rõ nội dung quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Bên cạnh đó là bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch; nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện; điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch...

Tại cuộc họp, một số đại biểu cho rằng cần xác định vị trí, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với Luật Quy hoạch, các quy hoạch khác; quy định rõ ràng về kinh phí cho hoạt động quy hoạch; "cắt bỏ" những quy hoạch không cần thiết trong phát triển đô thị, nông thôn; khắc phục tình trạng dự án phù hợp với quy hoạch này nhưng không phù hợp với quy hoạch kia...

Diệp Trương (TTXVN)
Phó Thủ tướng chủ trì họp Hội đồng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn
Phó Thủ tướng chủ trì họp Hội đồng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn

Ngày 24/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN