Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 25/2/2011, thay thế các quy định tại Mục 1, Mục 2 và Điều 52, Điều 53, Mục 8, Chương II, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006.

Nghị định này quy định rõ các mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí như việc sử dụng thẻ nhà báo, hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí, vi phạm trong nội dung thông tin, cung cấp thông tin và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí...


Trong đó, sẽ áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả.

Với các hành vi như minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin, làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân của người đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.


Đáng chú ý, theo nghị định này, sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo (quy định cũ phạt 3-10 triệu đồng).

Mức phạt nếu thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn báo chí là từ 5-10 triệu đồng. Các hành vi bị phạt là: Tự ý thêm, bớt hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí; thêm bớt, làm sai nội dung văn bản kết luận về các vụ, việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đăng, phát trên báo chí (quy định cũ mức phạt 3-7 triệu đồng).

Đăng, phát thông tin trên báo chí về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo quy định cũ, hành vi xuất bản báo in hoặc báo điện tử mà không có giấy phép hoạt động báo chí thì sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Với hành vi này, nghị định mới quy định áp dụng mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN