Quốc hội thảo luận tổ hai dự án Luật

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về hai dự án Luật: Tín ngưỡng, tôn giáo và Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).


Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Đinh Thị Bạch Mai phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Luật cần làm rõ hơn nội dung "tín ngưỡng"

Thảo luận Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu Hòa Thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phùng Khắc Đăng (Sơn La) nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Đồng thời, việc ban hành luật sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cân nhắc sự cần thiết ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại thời điểm này và cho rằng dự thảo Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn để giải quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Về lĩnh vực tín ngưỡng, các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao quát cả lĩnh vực tín ngưỡng song chưa giải thích rõ thuật ngữ “tín ngưỡng” được sử dụng trong phạm vi dự thảo Luật này.

Nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo Luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay. Dự thảo Luật mới đề cập đến các cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở này mà chưa làm rõ các hình thức tín ngưỡng khác nhau.

Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành các thiết chế tương tự như tôn giáo, có tổ chức, quy tắc, lễ nghi… song dự thảo Luật còn thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này. Lễ hội tín ngưỡng các cấp được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô, hình thức và nội dung hoạt động đa đạng; quá trình tổ chức lễ hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, xâm hại thuần phong mỹ tục. Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Chiến (Bạc Liêu) đề nghị cần thiết lập thêm các hành vi bị nghiêm cấm để không lợi dụng tự do tín ngưỡng vào hoạt động mê tín dị đoan, chuộc lợi.

Các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung của dự thảo Luật như: Công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn giáo; hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo; quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo…

* Nhiều ý kiến nhất trí đổi tên thành Luật trẻ em

Qua thảo luận, các đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) như trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Về tên gọi của luật, các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, Hoàng Đức Thắm, Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhất trí đổi tên luật thành Luật trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình và cho rằng: Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật thanh niên, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tên gọi của luật là Luật bảo vệ quyền trẻ em.

Thảo luận về độ tuổi trẻ em, đa số các đại biểu nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên). Đồng thời, quy định như vậy phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông; là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.

Theo đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh), quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, đối với một số nhóm trẻ chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), có một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đề xuất biện pháp giải quyết như: Nạn tảo hôn; tình trạng nạo phá thai của trẻ em vị thành niên; làm mẹ ở tuổi vị thành niên, nhất là các em ở vùng cao; xâm phạm tình dục, cưỡng bức lao động. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động việc thay đổi chính sách về độ tuổi và nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Bày tỏ quan điểm đồng tình, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, quy định như vậy phù hợp với nội dung của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và không mâu thuẫn với việc quy định là thành niên và vị thành niên. Mà chỉ đủ 18 tuổi mới là thành niên, còn dưới 18 thì vẫn là trẻ em.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng hiện nay quy định về độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có “độ vênh” và khác nhau. Bộ luật dân sự quy định người thành niên là người đủ từ 18 tuổi trở lên.

Nhưng Luật thanh niên lại quy định thanh niên là người từ đủ 16 đến 30 tuổi. Còn Bộ luật lao động lại quy định người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và giao kết hợp đồng lao động… Do đó, nếu nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên nhiều. đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích, Công ước quốc tế quy định về quyền trẻ em đã nêu rõ tùy vào hoàn cảnh điều kiện của mỗi nước mà có thể quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn. Do đó, nước ta vẫn có thể quy định tuổi trẻ em là 16 tuổi trở xuống.

Cũng thảo luận về Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), các đại biểu đã góp ý vào các nội dung như: Nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính; chăm sóc thay thế; trách nhiệm của Nhà nước…

Chiều 13/11, Quốc hội làm việc tại hội trường.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 2016-2020
Thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 2016-2020

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, sáng 12/11, với 88,26% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN